1. Thanh Tịnh Căn Bản

Phật Thích Ca

Giáo lý của Mật giáo Phật Giáo phát nguyên cách đây 2500 năm vào thời Phật Thích Ca. Ðức Phật sinh ra là một hoàng tử Ấn Ðộ tên là Siddhartha trong thế kỷ thứ VI trước công nguyên. Theo truyền thuyết, trong 29 năm đầu của đời mình, ngài hầu như chỉ sống ở bên trong những cung điện đầy khoái lạc mà cha của ngài, vua Shuddhodana, đã xây cho ngài. Rốt cuộc, sau khi được biết về sinh, lão, bệnh, và tử, ngài trốn khỏi hoàng cung để đi tìm con đường thoát khổ.

Trong sáu năm, ngài thực hành lối tu khổ hạnh để có thể điều khiển thân và tâm của mình. Nhưng rồi ngài thấy rằng lối tu tập cực đoan này là sai lầm, cũng giống như cuộc sống xa hoa trước đây của mình. Bằng cách đi theo con đường trung dung giữa lối sống buông thả và lối tu khổ hạnh cũng như tất cả những cực đoan khác, ngài đã nhổ rễ tất cả những nguyên nhân vi tế nhất của đau khổ và vô-minh trong tâm, do đó trở nên một người giác ngộ trọn vẹn, một vị Phật. Trong 45 năm còn lại của đời mình, đức Phật dạy con đường trung đạo này với nhiều hình thức khác nhau, mỗi hình thức, hay mỗi pháp môn thích hợp với một hạng người.

Giáo lý của đức Phật, hay giáo pháp, tiếng Sanskrit là Dharma, là phương pháp giải trừ đau khỗ và nguyên nhân của đau khổ, gồm hàng ngàn cách khắc phục những chướng ngại về mặt vật chất cũng như tâm để đạt hạnh phúc và lối sống tốt đẹp. Những giáo lý này được ghi lại trong hai loại sách Kinh điển và Mật điển, trong hai hệ thống Kinh điển thừa và Mật điển thừa. Có sự khác biệt giữa hai thừa này, nhưng nền tảng chung của hai thừa là tính chất thanh tịnh căn bản của tâm.

Tính Thanh Tịnh Căn Bản Của Tâm

Theo Phật giáo, con người là vô-minh, nhưng bản chất của con người là thanh tịnh. Mây có thể tạm thời che khuất ánh sáng mặt trời nhưng không thể phá hủy sức tỏa sáng của mặt trời, cũng vậy, vô minh có thể làm cho thân tâm đau khổ, phiền não, nhưng không thể hủy diệt hay đụng chạm tới tính thanh tịnh nguyên thủy của tâm. Ở sâu bên trong tâm của con người cũng như chúng sinh là từ bi và trí huệ vô giới hạn và mục đích tối hậu của tất cả các phương pháp tu tập tâm linh, dù được coi là của Phật giáo hay không, đó là khám phá và tiếp xúc với tính thanh tịnh căn bản này.

Khi đã phát triển tính thanh tịnh nội tại và tâm từ bi nội tại của mình, chúng ta sẽ thấy phản ảnh của sự thanh tịnh và từ bi này trong người khác. Nếu không tiếp xúc với những phẩm tính này bên trong bản thân, chúng ta sẽ thấy người khác là xấu và có giới hạn, vì bất cứ cái gì chúng ta thấy hàng ngày trong thực tại bên ngoài cũng chính là sự phóng chiếu hay phóng ảnh của thực tại bên trong của mình.

Tính thanh tịnh căn bản của tâm không phải là một giáo điều để tin và chấp nhận một cách không suy xét mà là một kinh nghiệm tự chứng. Vô số người trong suốt dòng lịch sử đã khám phá kho tàng an lạc, từ bi và trí hưệ này bên trong bản thân, và vô số vị thầy vĩ đại đã truyền dạy cho mọi người cách khám phá bản tính sâu xa nhất của mình và kinh nghiệm hạnh phúc cao cả nhất mà sự khám phá này tự động mang lại. Trong số những vị hướng dẫn tâm linh vĩ đại này là Phật Thích Ca và tất cả các giáo lý của ngài đều có mục đích thực hiện tiềm năng cao thượng nhất của con người.

Mục tiêu tối thượng về sự tiến hóa của chúng ta là giác ngộ, hay Phật quả. Ai cũng có thể đạt được trạng thái này khi mọi ảo tưởng như tham, sân, si, kiêu ngạo, ganh tị của tâm được loại bỏ hoàn toàn và mọi phẫm tính tốt được phát triển đầy đủ. Trạng thái thực hiện toàn mãn, thức tỉnh trọn vẹn này có những đặc điểm là trí huệ vô hạn, từ bi vô hạn và quyền năng vô hạn.

Mật Ðiển Thừa

Theo kinh điển thừa, đường đạo giác ngộ là một tiến trình tiệm tiến thanh lọc tâm khỏi mọi lỗi lầm và phát triển những phẩm tính tốt như từ bi và trí huệ. Con đường này gồm việc tạo những nguyên nhân đặc biệt như trì giới, thiền định, thiền quán, để trong tương lai có thể đạt giác ngộ. Vì đặc tính tạo nguyên nhân cho đạo quã tương lai này mà Kinh điển thừa cũng được gọi là nguyên nhân thừa.

So với phương pháp tiệm tiến của Kinh điển thừa thì Mật thừa là đạo giác ngộ nhanh hơn nhiều. Dù các hành giả Mật giáo không quên tạo những nguyên nhân giống như các tín đồ Kinh điển thừa, nhưng họ lấy chính đạo quả tương lai làm khởi điểm cho con đường tu tập của mình. Nói cách khác, các hành giả Mật giáo tập cách nghĩ, nói và hành động ngay bây giờ giống như mình đã là một vị Phật giác ngộ viên mãn. Vì phương pháp dũng mãnh này đưa kết quả giác ngộ tương lai vào khoảnh khắc hiện tại của cuộc tu tập nên Mật giáo còn được gọi là kết quả thừa.

Theo Mật giáo, sự hoàn hảo không phải là một cái gì đang đợi chúng ta ở một lúc nào đó trong tương lai "Nếu bây giờ mình chuyên cần tu tập thì trong tương lai mình có thể trở thành một vị Phật hoàn hảo" hay "Nếu trong đời này mình sống đạo đức và ngoan đạo thì một ngày nào đó mình có thể lên thiên đàng". Mật giáo cho rằng thiên đường hay niết bàn là bây giờ! Chúng ta nên là những vị thần ngay bây giờ. Nhưng hiện tại chúng ta chỉ nghĩ là người ta có những khuyết nhược điểm và mình thì không có khả năng để sửa đổi gì cả, vì vậy mà chúng ta phiền não và xung khắc với nhau. Những phiền não và xung khắc này sẽ tan biến nếu chúng ta biết học hỏi và tu sửa theo đạo lý, nhận ra rằng mỗi người đều có bản chất hoàn hảo. Hơn nữa, mọi người nam hay nữ đều có đủ cả hai năng lực nam và nữ, âm và dương. Thật vậy, mỗi người chúng ta là sự tổng hợp của tất cả các năng lực vũ trụ. Tất cả những gì chúng ta cần phải có để trở nên hoàn hảo đều có sẵn bên trong chúng ta ngay lúc này. Chúng ta chỉ cần nhận biết điều này và đây chính là yếu chỉ của Mật giáo.

Nguyên Lý Chuyển Hóa

Chúng ta có thể nói rằng tất cả các pháp thực hành Mật giáo đều liên quan tới nguyên lý chuyển hóa. Như khoa học hiện đại đã cho thấy, vũ trụ vật chất, từ hạt nguyên tử nhỏ nhất cho tới một thiên hà lớn nhất, là một trạng thái chuyển hóa và tiến hóa không ngừng từ một hình thức năng lượng này tới một hình thức năng lượng khác. Thân và tâm của chúng ta cũng là năng lượng, thân chúng ta mạnh khỏe hay bệnh tật, tâm chúng ta bình thường hay lệch lạc, đều tùy thuộc vào việc các năng lực tâm và thể xác cũa mình có hòa hợp hay không. Nếu biết thực hành các pháp Mật giáo đúng cách, chúng ta sẽ có thể chế ngự tất cả các năng lực, kể cã những lực tinh tế nhưng rất mạnh mà chúng ta đã không biết tới, để thành tựu những sự chuyển hóa vĩ đại nhất. Ðây là cuộc tiến hóa từ một người bình thường, giới hạn, và vô-minh, kẹt trong cái vỏ phàm ngã nhỏ bé, tới một thực thể giác ngộ trọn vẹn với trí huệ và từ bi vô hạn.

Làm sao để đạt được sự chuyển hóa vĩ đại này? Chúng ta phải tìm nguồn lực ở đâu để thực hiện cuộc thay đổi sâu xa này? Không phải tìm ở đâu xa, vì năng lực căn bản để dùng trong tiến trình chuyển hóa này chính là lực ái dục của mỗi người chúng ta.

( * ) Trở lại Mục Lục        ( * ) Xem tiếp chương kế