12. Thành Tựu Tối Hậu

Giai đoạn Thành Tựu

Pháp tu tập ba thân trong giai đoạn phát sinh, thực ra chỉ là một sự diễn tập cho các pháp tu tập của giai đoạn thành tựu thực sự chuyển hóa thân xác và tâm thông thường thành thân và tâm giác ngộ. Nhưng việc sửa soạn trong giai đoạn phát sinh là tuyệt đối cần thiết. Với việc phát sinh hình ảnh vị thần một cách rõ rệt trong cõi chân không và gây tâm kiêu hãnh thiêng liêng coi mình là vị thần thực sự, chúng ta đã tìm được chỗ cần thiết cho sự chuyển hóa diễn ra.

Khi đã có đủ khả năng để thực hành các pháp giai đoạn thành tựu, như gây lửa tam muội (tiếng Tây Tạng là tum-mo) ở luân xa bụng, chúng ta sẽ có thể đưa tất cả khí lực vào kinh mạch trung ương và làm cho chúng tan hòa trọn vẹn ở trong đó, giống như vào lúc chết. Kết quả là trí tịnh quang của thân tâm sẽ phát khởi và chúng ta sẽ có thể hiện trong thân cầu vồng, với thân này, chúng ta có thể tự ý rời khỏi thể xác rồi lại nhập trở lại. Ðây là những sự vật có thật, không phải chỉ là những hình ảnh quán tưởng như trong giai đoạn phát sinh. Lực kundalini nằm yên bên trong chúng ta được khích động trí huệ và đại lạc pháp sinh cùng một lúc và chúng ta vượt qua những giới hạn của thể xác thông thường.

Khi nắm được sự kiểm soát khí lực bên trong bản thân tới mức có thể đưa nó tới kinh mạch nào mình muốn, chúng ta cũng có thể kiểm soát được khí lực bên ngoài. Nhiều hành giả Mật Giáo đã có khả năng diều khiển các nguyên tố bên ngoài. Thí dụ, trong một đại lễ do Lama Tzongkhapa tổ chức ở Lhasa, hàng ngàn chiếc đèn bơ được thắp sáng để cúng trước tượng Ðức Phật. Bỗng nhiên lửa bốc cháy lớn làm mọi người hốt hoảng và họ chạy đi báo cho Tzongkhapa biết là chùa sẽ bị thiêu hủy. Ngài chỉ ngồi xuống nhập định và thế là những chiếc đèn ở đó đều tắt. Người ta gọi sự việc này là khác lạ, nhưng thật ra một sự kiện như vậy không có gì là kỳ bí không thể giải thícch được. Một người có quyền năng điều khiển các khí lực trong cơ thể của mình như Tzongkhapa thì cũng có khả năng kiểm soát các lực bên ngoài thiên nhiên.

Tôi nghĩ rằng pháp tu tập lửa tam muội hoàn toàn thích hợp với tâm tính của người Tây Phương, vì tâm Tây Phương quan tâm nhiều tới vật chất, họ thích làm việc và giải trí với vật chất, họ thích chuyển hóa vật chất. Và do khống chế vật chất họ cũng khống chế tâm con người. Pháp luyện lửa tam muội cũng giống như vậy, bằng việc khống chế năng lực bên trong cơ thể, chúng ta có thể mở rộng tâm thức và kinh nghiệm các mức cao cấp của trí huệ hoan lạc.

Tôi thấy nhiều người Tây phương quá nóng nẩy, họ muốn có kết quả ngay. Họ dùng cà phê uống liền, súp ăn liền, điểm tâm ăn liền, mọi thứ đều phải tức khắc. Vì vậy trong việc tu tập họ cũng muốn được thỏa mãn ngay, đạt chứng nghiệm tức khắc. Với pháp lửa tam muội, chúng ta sẽ được thỏa mãn ngay. Bằng cách thực hành một phương pháp đơn giản, chính xác và khoa học, chúng ta sẽ đạt được kết quả và đó là sự chuyển hóa hoàn toàn tâm. Không phải tin vào những tín điều nào, chúng ta chỉ cần làm theo lời hướng dẫn là các kinh nghiệm sẽ tự động đến với mình. Bằng cách tập trung vào các năng lực có trong cơ thể và tâm, chúng ta thực hiện một sự biến đổi sâu xa thực tại mà mình kinh nghiệm. Phương pháp này đơn giản, trực tiếp và thẳng thắn như vậy.

Thế kỷ XX này diễn ra thật nhanh và đầy năng lực. Với sự bộc phát năng lực này chúng ta đạt được nhiều điều tốt cũng như nhiều thứ có tính cách hủy diệt, vì vậy nếu muốn làm một điều gì tốt cho đời sống của mình, chúng ta phải có một phương pháp ít nhất cũng mạnh ngang với những lực vật chất, rối loạn mà mình đang bị kẹt ở trong. Những tư tưởng triết học dù sâu xa bao nhiêu cũng không có đủ sức mạnh để giúp chúng ta trong tình trạng khó khăn này. Bản thân những triết lý đó cũng phù du như những đám mây, mau tan biến và không giúp được gì cụ thể. Chúng ta cần một cái gì năng động, có uy lực, trực tiếp để có thể thực hành ngay và cũng đạt kết quả ngay. Cái đó là đạo pháp Mật giáo, đặc biệt là pháp luyện lửa tam muội của giai đoạn thành tựu.

Chuyện đạt kết quả tức khắc và phát sinh đại lực nghe có vẻ hấp dẫn nhưng chúng ta không nên quên hai điểm thật quan trọng. Thứ nhất là dù pháp tam muội sẽ dẫn tới kinh nghiệm hoan lạc nhưng mục đích chính là đưa hành giả vào trạng thái trí huệ tịnh quang và trí huệ này sẽ giải thoát hành giả khỏi vô minh. Một mình hoan lạc không thể làm được việc này. Vì vậy trong suốt việc thực hành pháp tam muội, chúng ta phải đạt giác ngộ về tính không, về cái bất nhị, về sự vô tự tính của chính kinh nghiệm hoan lạc. Nếu chúng ta vẫn giữ lối nhận xét cũ, mà coi cảm giác hoan lạc là cụ thể và tự hữu thì lực thiền quán tam muội sẽ đưa tới những hậu quả tai hại. Ðiều quan trọng thứ hai là chúng ta không nên ham mê cảm giác hoan lạc mà quên mục tiêu tối thượng của toàn bộ pháp tu tập. Mục tiêu tối hậu của đạo pháp Phật giáo, kinh điển thừa cũng như Mật điểm thừa, là tạo lợi ích tối đa cho chúng sanh. Nếu quá ham mê kinh nghiệm hoan lạc mà quên việc phụng sự người khác thì không thể nào thành công trong tu tập và hậu quả sẽ là phiền não.

Trí Huệ Hoan Lạc

Khi quen dần với kinh nghiệm tịnh quang hoan lạc phát triển bên trong kinh mạch trung ương, chúng ta sẽ tăng cường việc tu tập để siêu hóa những kinh nghiệm giới hạn thông thường của thế giới cảm giác này. Chúng ta sẽ có thể hợp nhất bất cứ một sự việc nào xảy ra cho mình với kinh nghiệm trí huệ hoan lạc nội tâm. Chúng ta có thể hướng những lạc thú thông thường mà vẫn giữ được sự an tĩnh trong tâm, vì những lạc thú cảm giác mà chúng ta kinh nghiệm qua sự tiếp xúc với các đối tượng mà mình ưa thích sẽ được hoà trộn một cách tự nhiên với trí huệ hoan lạc và do đó sẽ làm cho tâm an tĩnh hơn.

Mỗi khi một trong những giác quan của chúng ta tiếp xúc với một đối tượng gây lạc thú, thay vì nắm giữ, mê muội, hay bất mãn, chúng ta có thể đưa lực ái dục được kích thích vào hệ thống kinh mạch, cùng lúc đó để cho tâm thức hoan lạc mới xuất hiện hòa nhập bất khả phân vào cõi bất nhị thanh tịnh. Tất cả những vấn đề vốn liên quan tới ái dục đều tan biến. Bây giờ ái dục không còn là nguồn gốc của bất mãn nữa mà là nguyên nhân đưa tới kinh nghiệm về cái toàn thể.

Khi đã phát triển nguồn hoan lạc và thỏa mãn nội tại chúng ta sẽ bớt đòi hỏi dần những lạc thú từ người và vật ở xung quanh mình. Sự trong sáng nội tâm sẽ dần dần giải thoát chúng ta khỏi sự lệ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài. Nếu thế giới bên ngoài không vận hành tốt, chúng ta cũng không bị ảnh hưởng xấu nào cả. Chúng ta cũng không còn lo nghĩ tới tương lai: tại sao phải lo ngày mai mình có thể gặp chuyện phiền não trong khi chúng ta đã có sẵn một nguồn hoan lạc ở bên trong bản thân ngay lúc này ? Và cũng đừng nghĩ rằng kinh nghiệm hoan lạc nội tâm này có tính cách vị kỷ. Nội tâm càng an vui chúng ta càng có thể tạo nhiều lạc thú và thỏa mãn cho người khác.

Tất nhiên, việc luyện tâm đễ thoát phiền não như vậy đòi hỏi nhiều công phu thực tập. Lúc này chúng ta không dễ gì gây dựng và duy trì sự thỏa mãn và thăng bằng, tức là sự an vui, trong nội tâm, nhưng bằng cách nhớ lại những lần trong đời mình đã hưởng một chút thư thái trong tâm hồn, chúng tasẽ tự tin vào khả năng của mình trong việc gây dựng lại sự an lạc này. Ðặc biệt là với phương pháp tu tập để tạo hoan lạc và trong sáng cho tâm, chúng ta sẽ có cảm hứng để thi hành việc này. Càng tu tập chúng ta càng thấy rõ sự khả hữu của việc làm cho đời sống của mình hữu ích cho bản thân cũng như cho người khác.

Daka & Dakini

Khi đã tu tập thần thục các pháp giai đoạn thành tựu và đã có thể kiểm soát các lực tinh tế cũng như các việc khác, sẽ có lúc các daka va dakini tới với chung ta. Daka và dakini là những người nam nữ có nhiều kinh nghiệm tu tập và do đó có khả năng tăng gia trí huệ hoan lạc của một hành giả cao cấp. Trong việc tu tập giai đoạn thành tựu để đạt mức thuần thực có lúc việc giao tiếp với một người phối ngẫu như vậy rất cần thiết để đưa tất cả các khí lực vào kinh mạch trung ương và khai mở trọn vẹn luân xa tim, đạt được kinh nghiệm tịnh quan ở mức sâu xa nhất.

Pháp thực hành tu tập với người phối ngẫu đã bị hiểu lầm nhiều nhất là khi người ta chỉ biết sơ sài về Mật giáo, một môn phái sâu xa của Phật giáo. Khi thấy những bức tranh và những bức tượng Tây Tạng trình bày các vị thần giao hợp, nhiều người Tây Phương cho rằng Phật giáo Tây Tạng quan tâm chính yếu tới tính dục nam nữ. Như đã nói ở trên, tranh và tượng Mật giáo chỉ thượng trưng cho kinh nghiệm về sự hợp nhất trọn vẹn giữa phương tiện và trí huệ, hoan lạc và tính không, trong trạng thái giác ngộ viên mãn. Chúng ta đang nói tới các pháp tu tập của giai đoạn thành tựu, vì vậy cần phải nhấn mạnh rằng chỉ khi nào đã đạt khả năng kiểm soát thân tinh tế của mình và đã "giao hợp" với lực Kundalini vốn tiềm phục bên trong cơ thể chúng ta nơi có điều kiện để giao tiếp với một người phối ngẫu bên ngoài.

Có sự khác biêt giữa giao tiếp trong tu tập Mật giáo và giao hợp tính dục thông thường. Trong giai đoạn thành tựu, hành giả hòa tan các khí lực trong kinh mạch trung ương và do đó kinh nghiệm cùng một lúc sự hòa nhập của tâm và của thể xác xảy ra vào lúc chết, vậy chỉ khi nào một hành giả đã đạt kinh nghiệm giống cái chết với ý thức và sự kiểm soát trọn vẹn thì người đó mới có khả năng để thực hành pháp giao tiếp với người phối ngẫu thật. Thêm nữa, trong giao hợp tính dục thông thường người nam nhập vào người nữ, còn trong pháp giao tiếp thì năng lực của người nữ nhập vào người nam.

Kết Quả Của Tu Tập Mật Giáo

Chúng ta nên biết là có nhiều mức độ thành công trong việc thực hành các phương pháp chuyển hóa của Mật giáo. Tất nhiên, thành tựu cao nhất là đạt ba thân Phật, tức giác ngộ trọn vẹn, ngay trong đời này. Ðây là điều khả hữu với tất cả chúng ta, vì có nhiều hành giả đã đạt thành tựu này. Dù chưa khám phá được tính toàn thể của mình trong hiện tại, chúng ta vẫn có thể thực hiện được điều này vào lúc chết, và cả trong trạng thái trung gian sau khi chết. Trong trường hợp việc tu tập không đạt kết quả giác ngộ, chúng ta cũng đạt được những điều tốt như thoát khỏi sự chết và phần nào có khả năng kiểm soát việc tái sinh của mình. Ðây cũng được coi là một thành tựu lớn, vì như vậy chúng ta có thể tiếp tục hành trình tâm linh không gián đoạn trong kiếp sau.

Khi bắt đầu thực hành một pháp tu tập nào, dù cảm thấy pháp đó khó, bạn cũng nên can đảm mà nghĩ rằng dù thành công hay không, ít nhất mình cũng cố gắng để đạt một kinh nghiệm nào đó. Bạn không nên lo ngại là mình không biết tu tập, hay cho rằng mình là người đã phạm nhiều tội lỗi thì làm sao có thể đạt được thành tựu nào. Lối nghĩ như vậy là sai lầm. Trước hết khi chưa thực hành tu tập thì bạn không thể biết mức độ khả năng thành tựu của mình. Chưa thực hành gì cả thì làm sao bạn biết được tiềm năng của mình ? Nếu thành tâm cố gắng, có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình đạt được một chút gì đó. Thứ nhì là bạn sẽ dại dột nếu cho rằng mình quá tội lỗi nên không thể tu tập thành công được. Hãy nhớ lại Milarepa. Ngài tạo nghiệp xấu rất lớn và đã làm cho nhiều người phải chết, nhưng sau đó ngài đã có sức mạnh để thực hiện trọn vẹn hạnh xả ly, bồ-đề-tâm và rốt cuộc đạt giác ngộ viên mãn. Từ một tội phạm cỡ lớn, qua sự hướng dẫn của đạo sư Marpa và quyết tâm của mình, Milarepa đã trở thành một hành giả nổi tiếng và thành công nhất. Vậy, bạn không nên để cho mình bị kẹt trong quá khứ với những tội lỗi quá nhẹ so với nghiệp xấu của Milarepa.

Tôi nhận thấy những người đã tạo nhiều nghiệp xấu trong đời thường là những người thành công nhất khi họ quay sang việc tu tập lâm linh, còn những người dùng ít năng lực trong các họat động thế gian thì cũng thường dùng ít năng lượng trong việc tu tập và do đó không thể thành tựu cái gì cả, dù tốt hay xấu.

Vậy, như một con người bạn đừng bao giờ tự đặt giới hạn cho khả năng của mình, dù quá khứ của mình có xấu như thế nào. Có thể lúc đầu tâm của bạn thường xao động trong khi tham thiền, rồi bỗng nhiên một tiềm năng nào đó phát động, làm cho bạn có khả năng tập trung lâu hơn trước. Ðiều này thường xảy ra, vậy bạn hãy tin tưởng và cứ tiếp tực việc thiền quán. Ít nhất bạn cũng nên tự quyết định là mình sẽ nắm được quyền kiểm soát tâm một chút nào đó để khi gặp hoạn nạn, hay khi chết, tâm sẽ giữ được sự bình tĩnh và trong sáng để nhận biết những gì đang xảy ra. Việc này sẽ hỗ trợ khả năng thực hiện sự chuyển hóa tâm của bạn, một khả năng lớn hơn là bạn ước lượng.

Những Phẩm Tính Dẫn Tới Thành Công

Nếu muốn đạt bất cứ một thành tựu nào đó trong tu tập, chúng ta cần phải có bốn phẩm tính sau đây. Thứ nhất là niềm tin kiên cố, tức là biết chắc rằng con đường mà mình đi theo là đáng tin cậy và xứng đáng cho mình bỏ công sức ra để thực hành, từ việc quy y cho tới pháp tu tập cao nhất. Mỗi khi đã nhận xét và thấy rằng con đường sẽ đưa mình tới mục tiêu mong ước thì tất nhiên niềm tin của chúng ta sẽ không thể bị lay chuyển.

Nói cách khác, chúng ta cần phải tin tưởng việc mình đang làm. Ðiều nay sẽ dễ dàng nếu chúng ta có thể tiếp xúc với các hành giả khác hay thân cận với vị thầy của mình, và như vậy chúng ta sẽ không cảm thấy xa lạ hay hoang mang. Có thể khi chỉ có một mình và khi trở lại với thế giới thông thường, niềm tin vào việc tu tập của chúng ta sẽ lung lay, áp lực của tập quán và giá trị xã hội thông thường sẽ đè nặng và chúng ta có thể nghĩ là việc hành thiền không đưa mình tới đâu, trong khi cuộc đời có nhiều chuyện hấp dẫn khác để làm. Thế là chẳng bao lâu chúng ta thấy mình đã trở lại với lối sống hàng ngày quen thuộc cũ và không có cách gì để làm cho nó giá trị hơn. Nhưng nếu có niềm tin kiên cố thì chúng ta sẽ kiên trì tu tập, thay vì để cho hoàn cảnh bên ngoài lôi cuốn, chúng ta sẽ chuyển hoá nó thành đạo pháp.

Phẩm tính thứ nhì là không nghi ngờ, hay sự không cương quyết phát sinh từ tâm không sáng suốt. Khi chúng ta bận dụng trí huệ để tìm hiểu các pháp tu tập thì những mối nghi ngờ nhỏ mọn sẽ không còn để cản trở chúng ta đi theo đường đạo với sự cương quyết.

Chúng ta cần phải biết tới cấu trúc vững chắc giữ các pháp tu tập của mình lại với nhau. Có nhiều người đã học giáo lý trong bao nhiêu năm mà vẫn than thở là không biết phải bắt đầu ở đâu, không biết vị Thầy chính yếu của mình là ai trong vô số các vị đạo sư mình đã theo học, mà cũng không biết phải thực hành pháp tu tập nào trước. Nếu đã học nhiều pháp môn, đã nhận nhiều lễ truyền pháp mà vẫn không biết cách thực hành, thì như vậy có nghĩa là chúng ta đã không trông thấy cấu trúc tiềm ẩn trong việc tu tập. Một trong những ưu điểm của truyền thống Phật giáo Tây Tạng là trong truyền thống này có một cấu trúc rõ rệt từ đầu tới cuối, như danh sách các ấn chứng và các thành tựu mà một hành giả có thể đạt được, và nhiều thứ khác. Ðây là diều tốt, vì vậy khi nào cảm thấy hoang mang bạn hãy tìm hiểu lại cấu trúc này với sự giúp đỡ của một vị thầy có khả năng và rồi tiếp tục thực hành một cách tinh tấn để tiến tới đều đặn và vững chắc.

Phẩm tính thứ ba là thiền định, hay cách thức để thâm nhập chiều sâu của pháp tu tập và nếm mùi vị tinh túy của việc tu tập. Thí dụ, nếu muốn có khả năng kiểm soát các năng lực tinh tế chúng ta cần phải hiểu rõ về vị trí và cách hoạt đông của những lực này và chỉ có thể đạt được sự hiểu biết này bằng thiền định. Về mặt này thì Mật giáo cũng giống như các ngành khác, như học thuật và thể thao, nếu muốn thành công trong một ngành nào người ta đều phải có một điều kiện chung là khả năng tập trung tâm cao độ, nếu không thì không thể tiến được xa.

Hãy xét thí dụ sau đây: Như đã nói ở trên, bằng phương pháp tu tập Mật giáo mọi hoạt động có động lực là ái dục đều có thể được chuyển hóa thành kinh nghiệm về trí huệ đại lạc. Nếu việc định tâm mạnh mẽ và đã tu tập vững chắc chúng ta có thể theo dõi những gì đang diễn ra một cách rõ rệt như đang uống một ly nước giải khát.

Tất cả năng lực được kích động có thể được vận chuyển để làm tăng lửa nội tại ở bụng. Sức nóng này sẽ đưa nhiều lực hoan lạc vào hệ thống kinh mạch và toàn bộ kinh nghiệm sẽ trở thành trí huệ bất nhị rộng bao la. Ðối với người có trình độ cao thì việc uống một ly nước giải khát cũng là một phương pháp mạnh để tiếp xúc với thực tại trí huệ có tính chất hoan lạc. Ðây không phải là sự tưởng tượng hay giả vờ mà là một sự kiện có thật.

Thông thường chúng ta không tiếp xúc với thực tại nội tâm của mình. Thí dụ, khi uống một thứ gì chúng ta không biết trực tiếp những gì đang diễn ra trong lưỡi, dạ dày, hệ thống thần kinh, hay cơ thể và tâm nói chung. Chúng ta vẫn còn thô kệch và không có ý thức, trong khi một hành giả cao cấp biết rõ điều gì đang diễn ra và có thể sử dụng năng lực này tùy theo nhu cầu.

Phẩm tính thứ tư là giữ kín việc tu tập của mình nếu muốn đạt thành tựu tối thượng. Ðiều này có vẻ kỳ lạ nhưng thực ra rất quan trọng. Thật vậy, tên gọi đúng của đạo pháp Mật giáo là "thần chú bí mật" và "thần chú", tức "mantra", ở đây có nghĩa là sự bảo hộ tâm, những pháp tu tập đầy uy lực nên được giữ bí mật cho riêng mình, giống như một vật quý báu. Ngày nay việc thực hành Mật giáo đã suy thoái nhiều, người ta hay khoe mình là hành giả Mật giáo và như vậy là không khôn ngoan mà chỉ thu hút những chướng ngại cho việc tu tập của mình. Chúng ta nên giữ bề ngoài là người khiêm tốn và bề trong là một đại hành giả hơn là trình diễn bên ngoài mà bên trong không có thành tựu nào cả.

Các đại hành giả ngày trước đã nói rằng nếu gây dựng được bốn phẩm tính này và tu tập một cách vững chắc thì mọi thành tựu sẽ ở trong tầm tay của chúng ta. Theo kinh nghiệm của nhiều hành giả, trong việc thiền quán, chúng ta sẽ đạt tới chỗ một sự bộc phát về tri kiến sẽ xảy ra, cứ như trước kia mình là người vô minh rồi bỗng nhiên biến thành một hành giả thành tựu cao. Ðây không phải là ảo tưởng mà là một sự thật.

Như những con người thông thường chúng ta vẫn còn đầy tà kiến. Nếu có thể loại bỏ phần nào những ý niệm sai lầm này chúng ta sẽ có khả năng thâm nhập tức khắc một độ sâu không ngờ của thực tại. Mặc dù chúng ta không mong đợi một điều đặc biêt nào xảy ra, nhưng sự thực hiện lớn này sẽ bất ngờ bộc phát một cách vô công và tự nhiên. Nhưng nếu chỉ tìm hiểu kinh nghiệm của người khác thì không đủ, chúng ta cần phãi gây dựng những kinh nghiệm của riêng mình để đạt được những lợi ích của phương pháp chuyển hóa Mật giáo.

LAMA YESHE Qua Ðời Và Tái Sinh

Dù bị suy nhược vì bịnh tim, Lama Yeshe vẫn tiếp tục quan tâm tới người khác hơn là tới bản thân cho tới lúc cuối cùng của đời Ngài. Ngay cả khi đang được chữa trị ở bệnh viện Ngài cũng thăm hỏi sức khỏe và cuộc sống của mọi người, hay cười đùa với các y tá. Lama Zopa Rinpache cho biết trước khi qua đời ít lâu và khi việc giải phẫu đang được cứu xét, Ngài nói với tôi :"Cuộc giải phẫu thành công hay không không quan trọng, vì tôi đã có thể tự dùng bản thân để phục vụ người khác. Tôi hoàn toàn hài lòng với những gì mình đã làm và không sợ chết gì cả." Cuối cùng, vào ngày Năm Mới Tây Tạng, Lama Yeshe qua đời khi hơi thở của Ngài ngưng lại vào lúc rạng đông, khoảng thời gian mà nhiều đại hành giả đã từ giã cõi đời.

Những từ ngữ như "qua đời" hay "quá vãng" thường chỉ là những tiếng nhẹ nhàng để chỉ sự chết, nhưng ở đây những chữ này có ý nghĩa đặc biệt, vì theo giáo lý Mật giáo thì cái chết không phải là sự tiêu diệt hoàn toàn như người ta thường nghĩ, mà là một giai đoạn trong tiến trình thanh lọc tâm thức để đạt trạng thái tinh tế nhất, sau đó tâm rời khỏi thể xác. Khi thể xác bắt đầu tan rã, tâm hay thần thức tiếp tục hiện hữu trong cõi trung gian bando cho tới khi gặp những điều kiện thích hợp cho việc tái sinh.

Như Lama Yeshe đã trình bày, nếu không sửa soạn đúng mức thì người ta sẽ không kiểm soát hay chọn lọc được sự tái sinh và do đó sẽ phải sống thêm một kiếp vô minh giống như kiếp trước. Trong khi đó, một hành giả đã tu tập đầy đủ sẽ có khả năng lợi dụng trọn vẹn tâm thức tịnh quang tinh tế và hoan lạc để chọn kiếp tái sinh thuận lợi cho việc tiếp tục phụng sự chúng sanh.

Ðây là trường hợp của Lama Yeshe. Không những Ngài giữ được sự bình tĩnh và vui vẻ dị thường đối với một người đang ở trong tình trạng sức khỏe nguy kịch mà Ngài còn có thể tỉnh táo và có sự kiểm soát trọn vẹn trong suốt tiến trình chết cũng như sau khi chết.

Không đầy một tiếng đồng hồ trước khi qua đời, vào 3/3/1984, Lama Yeshe bảo Zopa Rinpoche hành pháp thiền quán Henuka cùng với Ngài. Sau đó, ngay trước rạng đông, tim của Ngài ngừng đập và theo y học Tây Phương thì Ngài được coi là đã chết. Nhưng tâm của Ngài vẫn chưa rời thể xác, Ngài tiếp tục tham thiền một cách an tĩnh, dù trong ít nhất hai tiếng đồng hồ bác-sĩ phụ trách đã cố gắng làm cho Ngài hồi tỉnh.

Ngài được chuyển qua một phòng khác trong bệnh viện, ở đó Ngài vẫn giữ trạng thái thiền tinh tế nhất với Lama Zopa và nhiều đệ tử của mình trong gần như suốt ngày hôm đó. Vào khoảng năm giờ chiều, một người nghĩ là mình nhận thấy đầu của Ngài hơi động đậy, nhưng lại cho đó là ảo giác. LamaXopa quay lại nói với người đó "Thời thiền của Ngài đã chấm dứt." Ngay lúc đó tâm thức của Lama Yeshe rời thể xác.

Vào ngày 12/22/1985, gần một năm sau, một bé trai ra đời làm con của một cặp vợ chồng người Tây Ban Nha, vốn là đệ tử của Lama Yeshe, họ sống và làm việc ở Trung Tâm Thiền Osel Ling do Ngài thiết lập ở Tay Ban Nha, gần thành phố Granada. Em bé được đặt tên là Osel, nghĩa là Tịnh Quang và sau khi sinh ra mười bốn tháng em được Zopa Rinpoche và cả đức Dalai Lama nhận ra là hóa thân kiếp sau của Lama Yeshe.

Trong dịp công nhận chính thức, đức Dalai Lama nói rằng khi Osel biết nói em sẽ biểu lộ những điều cho thấy mình là hóa thân, hay tulka, của Lama Yeshe. Từ đó nhiều người trên khắp thế giới đã có dịp gặp Hài Ðồng Lama Osel và em đã biểu lộ nhiều dấu hiệu đáng chú ý, như nhận ra những người và những nơi mà mình đã quen biết trong kiếp trước, làm cho họ tin tưởng, kể cả những người đã nghi ngờ thuyết tái sinh. Lama Osel được tấn phong với sự chứng kiến của giới truyền thông ở Dharamsala, Ấn Ðộ vào ngày 17/3/1987.

Bằng việc tái sinh sớm để đáp ứng sự thỉnh cầu của các đệ tử, Lama Yeshe đã thực hiện ý nguyện tiếp tục phụng sự chúng sinh. Thêm nữa, thái độ lúc chết và rồi tái sinh của Ngài là bằng chứng vững chắc nhất cho thấy giá trị và uy lực của những giáo lý được trình bày trong quyển sách này. Nguyện những người nào quan tâm sẽ tìm thấy ích lợi và niềm vui trong những giáo lý chuyển hóa tâm của Mật giáo. Nguyện Lama Osel hưởng một cuộc đời lâu dài và đầy thành quả để giúp đỡ và gây cảm hứng tối đa cho người khác và nguyện chúng sinh hạnh phúc.

Mộ địa, đọc xong ngày 12/05/99

Banthienphaptri

( * ) Trở lại Mục Lục