3. Lạc Thú, Bất Mãn

Thực Hiện Tâm Linh

Mật Giáo Và Hưởng Thụ Lạc Thú

Chức năng của Mật giáo là chuyển hóa mọi lạc thú thành kinh nghiệm siêu việt về trí huệ hay ý thức sâu xa. Thay vì dạy phân ly với lạc thú phàm turc như nhiều truyền thống đạo lý khác, Mật giáo xác nhận rằng người ta sẽ được lợi ích hơn khi biết hưởng thụ lạc thú và chuyển năng lực hưởng thụ của mình thành pháp tu tập nhanh và mạnh để đạt giác ngộ và tự thực hiện. Ðây là cách tốt nhất dùng tiềm năng con người quý báu của chúng ta.

Qua các phương pháp chuyển hóa sâu xa, Mật giáo cho thấy rằng là con người chúng ta có khả năng hướng hạnh phúc vô giới hạn đồng thời vẫn thoát vô minh vốn thường làm hại cuộc mưu cầu hạnh phúc của mình. Khác với ý kiến của một số người nào đó, lạc thú và sự hưởng thụ lạc thú không có gì là tội lỗi cả. Người ta chỉ sai lầm khi bám giữ những lạc thú, biến lạc thú từ hạnh phúc thành nguồn đau khổ. Ðó là vấn đề chấp thủ vào lạc thú mà chúng ta cần phải giải quyết để có thể hưởng niềm vui tùy ý mà không cần gây chướng ngại nào cho cuộc tìm kiếm hạnh phúc của mình.

Khi biết rỏ phương pháp chuyển hóa, bất cứ việc gì chúng ta làm hai mươi bốn tiếng đồng hồ một ngày cũng có thể đưa mình tới gần mục tiêu toàn thể, tức giác ngộ chân tính và tự thực hiện. Tất cả các hoạt động như đi, đứng, ăn uống và cả bài tiết, đều có thể được đưa vào việc tu tập. Giấc ngủ mà chúng ta trải qua trong vô thức hay trong các giấc mơ cũng được chuyển thành kinh nghiệm trí huệ tịnh quang.

Những điều nói trên nghe có vẻ không thể thực hiện được và trong khi đó những đường lối tu tập tâm linh khác tiệm tiến hơn, kể cả những phương pháp của Kinh điển thừa Phật giáo, đều dạy rằng các cảm xúc tham, sân, si, ganh tị, kiêu ngạo cùng những thứ khác trong đời sống hàng ngày của chúng ta là bất tịnh và phải được coi là độc hại, gây hậu quả nguy hiểm, cần phải tránh hết sức. Nhưng, như đã nói, Mật giáo có một cách tiếp cận khác. Dù cũng dạy rằng ái dục và chấp thủ là nguồn gốc của phiền não và đau khổ, cần phải được khắc phục. Mật giáo hướng dẫn chúng ta những phương pháp thiện xảo dùng năng lực của những cảm xúc này để mở mang trí huệ và đẩy mạnh sự tiến bộ tâm linh. Giống như những người có tài bào chế thuốc chữa bệnh biến các giống cây có chất độc thành các phương thuốc tốt, các hành giả Mật giáo chịu học hỏi và tu tập có thể dùng lực ái dục và cả lực sân hận làm phương tiện lợi ích cho mình. Chắc chắn chúng ta có thể làm được điều này.

Hình Ảnh & Biểu Tượng Của Mật Giáo

Mật giáo không những dạy cách lợi dụng các kinh nghiệm lạc thú thông thường mà còn chỉ cho chúng ta cách tạo kinh nghiệm an lạc sâu đậm hơn và đáng thỏa mãn hơn những lạc thú hưởng thụ qua các giác quan vật chất.

Trong hiện tại cuộc tìm kiếm lạc thú của chúng ta thường được hướng ra bên ngoài tới những đối tượng của ái dục. Khi không tìm thấy hay không nắm giữ được những vật đó, chúng ta sẽ đau khổ và phiền não. Thí dụ, nhiều người trong chúng ta đang tìm người trong mộng của mình, một người nam hay nữ nào đó sẽ là nguờn hạnh phúc vô tận cho mình, nhưng dù chúng ta có nhiều bạn trai gái, những giấc mộng đó vẫn không được thực hiện.

Chúng ta không biết rằng bên trong mỗi người là một nguồn năng lực vô tận có cả hai tính chất nam và nữ. Rất nhiều vấn đề phức tạp phát sinh vì chúng ta không biết tới hay đè nén cái gì mình có bên trong bản thân. Ðàn ông che dấu phương diện nữ của mình, còn đàn bà thì không dám biểu lộ phương diện nam. Kết quả là chúng ta luôn luôn cảm thấy mình không trọn vẹn và do đó hướng về phía người khác đề tìm những phẩm tính mà mình không có, hy vọng đạt được cảm giác toàn hảo. Vì vậy rất nhiều hành vi của chúng ta có tính cách bất an và chiếm giữ cho mình. Thật sự là tất cả những vấn đề của thế giới, từ sự phiền não của một cá nhân cho đến chiến tranh giữa những quốc gia đều có nguồn gốc là cảm giác không toàn vẹn này.

Các hành giả trình độ cao có thể ẩn tu trong nhiều năm mà không cảm thấy cô đơn, còn người thường chúng ta sẽ buồn kinh khủng nếu phải xa cách bạn trai hay bạn gái của mình dù chỉ một ngày. Tại sao lại có sự khác biệt lớn như vậy giữa chúng ta và các "yogi"? Ðiều này liên quan tới các lực nam và nữ, hay âm và dương bên trong mỗi người. Khi hai lực này vẫn không trọn vẹn và không cân bằng, chúng ta sẽ vẫn thấy cần thiết phải có bạn chung đôi và không thể thõa mãn được. Còn nếu "madala" âm dương của chúng ta được trọn vẹn thì kinh nghiệm đau khổ và cô đơn sẽ không có.

Mật giáo cung cấp những phương pháp mạnh cho việc tiếp xúc với sự toàn vẹn căn bản của chúng ta. Mỹ thuật Mật giáo có rất nhiều hình ảnh tượng trưng sự hợp nhất và trọn vẹn, là đặc điểm của tiềm năng được thực hiện đầy đủ trong chúng ta.

Hình ảnh các vị thần nam nữ giao hợp thường được các nhà phê bình Tây phương lúc ban đầu coi là dấu hiệu của sự đồi trụy Mật giáo, nhưng tất nhiên sự thật là những hình ành này tượng trưng sự hợp nhất hai lực âm dương bên trong con người. Ở mức sâu xa hơn, sự giao hợp này tượng trưng mục tiêu của các pháp tu tập Mật giáo cao nhất, đó là tạo ra trạng thái an lạc và tinh tế nhất có khả năng thâm nhập thực tại tối hậu và giải thoát chúng ta khỏi vô minh và đau khổ. Ở mức này, vị thần nam là biểu tượng của kinh nghiệm và đại lạc, và vị thần nữ là biểu tưng của trí huệ bất nhị. Vậy sự hợp nhất này không liên quan gì tới giao hợp tình dục, mà tượng trưng trạng thái hội hợp của trí huệ an lạc hoàn toàn siêu việt ái dục vật chất thông thường. Ðối với những người đã chín chắn thì chỉ cần nhìn thấy hình ảnh đó cũng đù để khôi phục sự hợp nhất của hai phương diện nam và nữ bên trong họ. Tuy nhiên, để tái thiết sự hợp nhất này chúng ta cần phải đoạn lìa ảnh hưởng của trí thông thường. Sự tạo ý niệm của lý trí chịu trách nhiệm phần lớn cho cảm giác xa cách với thực tại bên trong, hay chân tính của chúng ta. Ðó là lý do các hình ảnh và các biểu tượng được dùng trong mỹ thuật và pháp quán tưởng Mật giáo có nhiều hiệu lực hơn ngôn từ trong việc giới thiệu chúng ta với chân tính của mình.

Bốn Loại Nghi Quỹ

Mật giáo Phật giáo có bốn loại được gọi là bốn nghi quỹ, thuộc các mức độ cao thấp khác nhau, đó là nghi quỹ hành động, nghi quỹ thi hành, nghi quỹ yoga và nghi quỹ yoga tối thượng. Mỗi loại nghi quỹ này được soạn cho một loại hành giả và khác nhau ở cường độ của lực ái dục mà hành giả khéo léo đưa vào pháp tu tập. Theo truyền thống, những mức độ khác nhau của lực hoan lạc được mô tả bằng những thí dụ về sự thân mật nam nữ. Hành giả thực hành loại nghi quỹ thấp nhất là người có thể dùng và chuyển hóa lực hoan lạc phát sinh chỉ do ngắm một bạn đồng tu hấp dẫn. Ở mức độ thứ nhì, lực hoan lạc do trao đổi nụ cười với người đồng tu sẽ được chuyển hóa. Ở mức độ thứ ba lực hoan lạc được dùng phát sinh từ việc cầm tay nhau. Các hành giả của nghi quỹ yoga tối thượng có khả năng đưa lực ái dục của sự giao hợp vào pháp tu tập. Những hình ảnh linh động này cho chúng ta biết về các mức năng lực từ thấp tới cao có thể được dùng và chuyển hóa qua việc tu tập.

Câu hỏi quan trọng ở đây là làm sao để ứng dụng các pháp chuyển hóa của Mật giáo cho mỗi cá nhân. Nếu chỉ nói tổng quát về lý thuyết và thực hành Mật giáo, về việc dùng ái dục làm pháp tu tập đạt giác ngộ, thì đó là chuyện dễ nhưng không có nhiều giá trị. Ðiều thực sự quan trọng là xét kỹ những khả năng và kinh nghiệm của mình rồi quyết định cách mình đối trị năng lực ái dục trong lúc này. Chúng ta phải tìm hiểu sức mình có thể kham nồi bao nhiêu hoan lạc vật chất mà không đi tới chỗ thái quá. Thật vậy, việc tu tập có thể sẽ khơi dậy trạng thái tâm thức sắc xảo, tinh tế, có tính chất an lạc dị thường, nhưng như vậy không muốn nói chúng ta có thể theo đuổi ái dục một cách bừa bãi bây giờ chỉ vì những dục vọng này cũng đưa tới một sự an lạc nào đó. Chúng ta phải thành thật nhận biết những giới hạn hiện tại của mình và phải thực tế xét những khả năng hiện tại của mình nếu muốn việc thực hành tu tập có kết quả tốt.

Một trong những chướng ngại lớn nhất của việc phát triển tâm linh là kiêu ngạo và tính chất này đặc biệt nguy hiểm trong tu tập Mật giáo. Chúng ta có thể nghĩ rằng vì Mật giáo được coi là phương pháp dùng ái dục nên mình cứ việc chiều theo những dục vọng hoang đàng, hay tăng thêm những ái dục mà mình đã có rồi sẽ đi theo con đường của một hành giả chân chính. Quả thật, có một số người nghĩ như vậy, nhưng đó là ý kiến sai lầm. Ðừng bao giờ quên rằng nếu việc tận hưởng lạc thú có tính chất giống như tu tập Mật giáo, thì lúc này chúng ta đã là những yogi Mật giáo thuần thuc rồi! Trong tất cả đời chúng ta đã có nhiều dục vọng nhưng cái mà chúng ta đạt được chỉ là đau khổ và bất mãn.

Tại sao lại như vậy? Tại sao những ái dục thông thường chỉ đưa tới phiền não và bất mãn? Nếu không hiểu được vấn đề này thì những lời bàn về việc dùng ái dục như đạo pháp đạt giác ngộ chỉ là chuyện phù phiếm.

Ái Dục Và Sự Xuyên Tạc

Cần phải hiểu là dục vọng đối với một đối tượng hấp dẫn sẽ xuyên tạc, bóp méo nhận thức của chúng ta về đối tượng đó. Một thí dụ rõ ràng là tính dục. Khi một người đàn ông mê một người đàn bà nào đó, hay một người nữ mê một người nam, dù đối tượng có một sự hấp dẫn nào đó, sự ái dục của chủ thể vẫn xuyên tạc vẻ đẹp của đối tượng tới mức kỳ cục. Chủ thể càng say mê thì hình ảnh đối tượng càng xa sự thật. Rốt cuộc hình ảnh này không liên quan gì tới thực tại cả. Như vậy, thay vì được thu hút bởi chính đối tượng thì chủ thể đã say mê hình ảnh của đối tượng mà chính mình tạo ra.

Khuynh hướng xuyên tạc và phóng chiếu hình ảnh này không thuộc riêng về một nền văn hóa nào cả, mà là một hiện tượng phổ quát. Khi hai người ngắm nhau với ái dục thái quá thì mỗi người sẻ có ý kiến sai lạc về người kia. "Ôi vẻ dẹp tuyệt vời! Không một nét xấu, cả trong lẫn ngoài"! Họ đặt ra một huyền thoại hoàn hảo. Vì ái dục và say mê, họ không trông thấy những khuyết nhược điểm cùa nhau và họ xuyên tạc những phẩm tính tốt của nhau tới mức người ta không thể nhận ra những hình ảnh được họ phóng chiếu. Sự xuyên tạc này chỉ là lối

diễn dịch mê muội hay sự phóng chiếu của tâm bị ái dục ám ảnh.

Khuynh hướng xuyên tạc này là đặc tính của tất cả các dục vọng thông thường của mọi người là nhiều hay ít tùy theo mỗi cá nhân. Chúng ta phóng đại vẻ đẹp hay giá trị của cái gì đang thu hút mình, không thấy tính chất thật của nó. Thí dụ, chúng ta quên rằng đối tượng ái dục cùa mình, dù là con người hay một đồ vật, cũng luôn luôn biến đổi giống như chính mình vậy. Chúng ta làm như nó sẽ tồn tại mãi mãi với vẻ đẹp và sự hấp dẫn, nó sẽ làm cho chúng ta vui và thoải mái vĩnh viễn. Tất nhiên ý niệm về thường tồn này không phù hợp với thực tế và nếu bám giữ vào ý niệm này thì người ta chỉ gặt hái đau khổ và bất mãn mà thôi.

Nên hiểu là trong vô thức người ta tạo thói quen coi những gì mình ham muốn là thường tồn. Nếu có người hỏi: "Bạn có nghĩ là người yêu, hay cái xe mới, hay một thứ nào khác của bạn sẽ lâu bền mãi mãi và luôn luôn đẹp hay không?" Chúng ta sẽ trả lời ngay: "Tất nhiên không" Chúng ta đã quá quen thuộc với lực biến dịch, hư hoại, già và chết để trả lời ngược lại. Nhưng đa số chúng ta chỉ hiểu điều này bằng lý trí, bằng bộ óc chứ không hiểu từ trái tim. Nếu xét lại thái độ của mình đối với đối tượng ái dục, chúng ta sẽ khám phá ra thói quen bám giữ vào sự thường tồn còn xót lại chưa được lý có kinh nghiệm về vô thường đụng chạm tới. Chỉ cần nghe trái tim rung động của mình đối với đối tượng mà mình ham muốn. Nếu không có ý niệm thiếu thực tế về thường tồn thì chúng ta sẽ không rung động như vậy.

Xin đừng hiểu lầm điều này. Tôi không phê bình một cách khắc nghiệt và nói rằng mọi quan niệm của chúng ta là nông cạn, và mọi phản ứng cảm xúc của chúng ta là sai lầm. Tôi chỉ cố gắng tìm hiều một tâm trạng mà mọi người khắp nơi đã có kinh nghiệm bản thân, tức là dù những dục vọng được nhắm tới việc tạo hạnh phúc, nhưng người ta vẫn không vừa lòng và không thỏa mãn. Nếu không hiểu lý do của sự kiện này thì chúng ta không có hy vọng dùng ái dục để đạt hạnh phúc trọn vẹn của sự thực hiện tâm linh.

Nguồn Gốc Của Bất Mãn

Sai lầm nằm ở chỗ nào? Người nào hay cái gì chịu trách nhiệm cho sự thất bại liên tục của việc tìm kiếm hạnh phúc và an lạc, hai điều mà chúng ta đang rất cần? Ðể trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy xét một lần nữa đường lối vận hành của ái dục thông thường. Cảm thấy không trọn vẹn, không an ninh và không thỏa mãn, chúng ta nhìn ra bên ngoài mình để tìm một cái gì hay một người nào có thể làm cho mình cảm thấy toàn vẹn. Trong ý thức hay trong tiềm thức, chúng ta nghĩ: "Phải chi có vật đó thì mình sẽ hạnh phúc!" Ý tưởng này thúc đẩy chúng ta tìm cách sở hữu đối tượng đang hấp dẫn mình, chuyển đối tượng đó thành một thần tượng, đánh giá quá mức tính hấp dẫn của nó cho tới khi khác xa tính chất thật của nó.

Khi cố gắng chiếm đối tượng ái dục được đánh giá quá mức này, chúng ta có thể thành công hoặc thất bại. Nếu thất bại đối tượng vẫn ở ngoài tầm tay, thì tất nhiên chúng ta sẽ bất mãn. Càng tham muốn đối tượng, chúng ta càng phiền não khi không sở hữu được nó.

Nhưng chuyện gì xảy ra lúc thành công, khi chúng ta chiếm được cái mình muốn có? Thực tế và ước mơ khác xa nhau, vì chúng ta sẽ thấy cái mình chiếm được không phải lả hình ảnh trong mộng của mình, không phải là cái trường tồn, trọn vẹn, có thể làm cho mình thỏa mãn, mà là một cái gì không hoàn hảo, không trường tồn và không trọn vẹn như chính mình vậy. Người đó hay vật đó có thể đem lại cho chúng ta một chút lạc thú tạm thời, nhưng không bao giờ có thể giống như hình ảnh mơ mộng mà chúng ta đã gán cho. Sớm muộn gì chúng ta cũng cảm thấy mình đã lầm và sẽ bất mãn.

Trở lại câu hỏi chúng ta buộc tội người nào hay vật nào đã làm cho chúng ta không hạnh phúc. thông thường thì chúng ta sẽ buộc tội đối tượng. Thí dụ chúng ta sẽ nghĩ: "Phải chi cô ta xinh đẹp hơn", "Phải chi anh ta đối xử với mình tốt hơn.", "Phải chi chiếc xe đó chạy nhanh hơn, hay mới hơn". Những ý tưởng nhị nguyên như vậy sẽ tràn ngập chúng ta khi bất mãn với cái mình đã có và muốn tìm một đối tượng khác có thể mang lại hạnh phúc mà mình mong ước. Chúng ta lại đặt hy vọng vào đối tượng mới một cách không thực tế như với đối tượng cũ. Chúng ta đi vòng vòng như vậy, thay đổi cái này hay cái nọ trong đời nhưng không bao giờ tới gần hạnh phúc và an lạc như mơ ước.

Giải Pháp Mật Giáo

Ðối với vấn đề này Mật Giáo có giải pháp rất cấp tiến, đó là sự chuyển hóa trọn vẹn quan kiến thông thường của chúng ta. Ðây chính là tâm điểm của phương pháp Mật giáo. Lực ái dục đẩy chúng ta đi từ tình trạng bất mãn này tới tình trạng bất mãn khác được chuyển hóa bằng phương pháp Mật giáo thành kinh nghiệm siêu việt về an lạc và trí huệ. Hành giả tập trung trí huệ an lạc này để nó cắt như một tia Laser qua những hình phóng chiếu giả tạo của các đối tượng ái dục và thâm nhập vào tận trung tâm của thực tại.

Lực trí huệ an lạc sẽ diệt trừ mọi phiền não đang xâm chiếm nội tâm, ngăn cản chúng ta kinh nghiệm trọn vẹn tiềm năng con người của mình. Như vậy lực ái dục được kiềm chế để không gây thêm bất mãn mà lại hủy diệt chính nguyên nhân là những bất mãn của chúng ta, đó là sự vô minh cố hữu không biết tới chân tính của thực tại.

Trong truyền thống Mật giáo Tây Tạng, sự chuyển hóa ái dục này được trình bày bằng ngụ ngôn sau đây: Những con mọt gỗ bắt đầu chu kỳ đời sống khi trứng của chúng được đặt sâu ở trong thân cây. Khi lớn lên chúng ăn chính thân cây nơi mình đã sinh ra. Tương tự, qua pháp chuyển hóa Mật giáo, ái dục sẽ sinh ra trí tuệ và trí huệ sẽ tiêu diệt mọi ý hướng tiêu cực che phủ tâm chúng ta kể cả ái dục vốn đã sinh ra trí huệ.

Như vậy, chúng ta thấy chức năng thông thường và chức năng giác ngộ của ái dục đối ngược nhau. Trong Mật giáo, kinh nghiệm an lạc phát sinh từ ái dục sẽ mở rộng tâm để chúng ta vượt qua mọi giới hạn của mình, khác với lạc thú thông thường làm cho tâm hẹp lại gây ra sự mong ước có thêm lạc thú đáng thỏa mãn hơn. Say sưa với lạc thú, chúng ta không có ý thức gì về toàn thể, tức chân tính và chìm vào trạng thái mê muội. Tâm cùa chúng ta bị đối tượng ám ảnh và khi bám giữ nó để tìm thòa mãn, chúng ta mỗi lúc mỗi đi xa thực tại hơn. Có thể nói ái dục làm cho chúng ta chìm vào một loại vô thức và khi tỉnh mộng, chúng ta thấy lạc thú không còn nữa mà chỉ còn lại sự bất mãn thường có.

Thông thường, kinh nghiệm lạc thú của chúng ta u tối vì vô minh, không có ý thức trong sáng. Trong pháp tu tập Mật giáo, chúng ta kết hợp kinh nghiệm lạc thú với ánh sáng trí huệ và sự hợp nhất này được tượng trưng bằng hình ảnh hai vị thần nam nữ giao hợp. Ðây là sự hợp nhất của lực an lạc nam và lực trí huệ nữ. Hai lực này phải hợp nhất để chúng ta kinh nghiệm sự thực hiện tính chất sâu xa nhất, hay chân tính của mình. Chúng ta phải nỗ lực tu tập để đạt kinh nghiệm về toàn thể này.

Ghi Chú :

Thói quen rơi vào trạng thái mê muội khi tìm lạc thú đã ăn sâu vào chúng ta, vì vậy không thể chuyển hóa nhanh lực ái dục thành sự trong sáng có tính cách mở rộng của tâm. Dù Mật giáo là con đường nhanh nhất dẫn tới sự trọn vẹn của kinh nghiệm giác ngộ, chúng ta vẫn phải tiến từng giai đoạn tùy theo khả năng của mình, nếu không chúng ta sẽ phải chịu một sức nặng mà mình chưa thể chịu nổi, giống như những quốc gia vội vả trong việc hiện đại hóa mà làm đảo lộn đời sống khá cân bằng và đơn giản của người dân. Mục đích của việc hiện đại hóa là mang lại lợi ích vật chất, nhưng hậu quả là bất an và bất mãn. Cũng vậy, nếu việc tu tập để chuyển hóa không phù hợp với mức cảm xúc và khả năng tâm của chúng ta, nếu chúng ta nghĩ tới việc tìm và chuyển hóa nhiều lực ái dục hơn là mình có thể đảm đương, thì như vậy chúng ta sẽ chỉ thêm phiền não.

( * ) Trở lại Mục Lục        ( * ) Xem tiếp chương kế