10. Pháp Tu TậpMật Giáo Cao Nhất

Thân Kim Cương và Tâm Thường Trụ

Theo nghi quỹ Yoga tối thượng, thể xác và chơn tâm của chúng ta không chỉ hiện hữu ở mức thô kệch mà chúng ta thường quen thuộc, mà còn ở những mức tinh tế mà đa số chúng ta không biết tới. Thân vật chất thông thường của chúng ta cấu tạo bằng các nguyên tố vật chất và lệ thuộc vào những điều khổ như sinh lão bịnh tử của các kiếp luân hồi. Ở cùng một vị trí với thân vật chất là một thân tinh tế hơn, được gọi là thân kim cương, nghĩa là thân không thể hủy hoại. Giống như thân vật chất thô kệch có một hệ thống thần kinh thông thường, thân kim cương có hàng ngàn kinh mạch (nadi) trong đó chảy các dòng khí lực (prana) và các giọt (bindu), là nguồn của hoan lạc rất quan yếu cho pháp tu tập mật giáo cao nhất.

Cũng như tâm nguyên thủy thanh tịnh và an lạc, thân ý thức tinh tế này hiện hữu bên trong chúng ta ngay từ lúc đầu và công việc của hành gỉa là khám phá và sử dụng nó. Một khi chúng ta đã tiếp xúc với thân ánh sáng này quan thiền quán, thân vật chất sẽ không còn là một vấn đề vì chúng ta đã siêu việt nó. Những giới hạn vật chất chỉ là một trong những dấu hiệu của tính ngã chấp và khi chúng ta đã hòa nhập với chân tính thanh tịnh thì tất cả những giới hạn đó sẽ được vượt qua. Lúc đó thân hào quang của vị thần không còn chỉ là một hình quán tuởng mà trở thành một sự thật.

Ở đây chúng ta sẽ chỉ nói về kinh mạch trung ương (avadhuti hay shushuma) vì sự quan trọng đặc biệt của nó. Kinh mạch này chạy theo một đường thẳng từ đỉnh đầu xuống phía trước phần cuối của xương sống và dọc theo nó là những điểm tập trung gọi là luân xa (chakra). Mỗi luân xa có một chức năng riêng trong pháp tu tập. Hành giả chú tâm và thâm nhập một luân xa nào là tùy theo nghi quỹ mà mình thực hành và tùy theo giai đoạn tu tập. Hành giả không thể tự ý chọn một trung tâm lực; những điều này được trình bày chi tiết trong các sách nghi quỹ và các sách luận giảng về các nghi quỹ. Các đạo sư cũng giảng cho vài đệ tữ có khả năng của mình về cách thực hành. Luân xa quan trọng nhất nằm ở chỗ ngang với trái tim, là chỗ trú ngụ của tâm tinh tế, hay chân tâm, báu vật vô giá của tất cả các hành gỉa Mật giáo. Tâm tinh tế này đã hiện hữu cùng với chúng ta ngay từ khi nhập thai bào; phải nói là cùng với khí lực, dòng tâm này đã ở cùng chúng ta từ kiếp vô thủy. Chân tâm hay tâm thức căn bản trụ ở trung tâm lực tim trong suốt cuộc đời nên cũng được gọi là tâm thường trụ. Nhưng dù là hiện hữu qua các kiếp tâm này hiếm khi có cơ hội hoạt động. Tâm tinh tế có khả năng thâm nhập chân tính của thực tại nhưng không được kích thích và bị cãn trở bởi những trạng thái tâm thô kệch liên tiếp phát khởi của chúng ta. Ðây là những ý nghĩ và cảm xúc đến và đi liên tục, lấn át hoàn toàn tâm thường trụ.

Hoạt động của tâm thô kệch cũng như tâm tinh tế tùy thuộc vào các khí lực và nơi các khí lực này di chuyển. Các khí lực này đi qua hàng ngàn kinh mạch nhưng không đi qua kinh mạch trung ương, vì vậy chúng chỉ kích động những ý nghĩ và cảm xúc thô kệch, mê muội và phiền não, tức những kinh nghiệm sống thông thường của chúng ta. Nhưng khi khí lực đi vào, trụ lại và hòa tan trong kinh mạch trung ương, thí dụ như vào lúc qua đời, tâm thô kệch sẽ ngưng hoạt động, còn tâm ánh sáng trong sạch tinh tế sẽ phát khởi.

Khi khí lực hòa tan trong kinh mạch trung ương, môi trường mà trong đó tâm thô kệch vẫn hoạt động sẽ tự động tan biến, mọi ý nghĩ và cãm xúc sẽ không xuất hiện nữa. Trong sự an tĩnh này, tâm thường trụ tức tâm thức nguyên thủy sẽ tỉnh thức.

Tiến trình này diễn ra một cách tự nhiên vào lúc chết nhưng rất ít người biết cách lợi dụng tâm thức tịnh quan tinh tế phát khởi vào lúc qua đời này. Sự thật là hiếm có ai biết về tâm thức này. Các hành gỉa Mật giáo tự luyện tập để nhận ra tâm thức an lạc này vào lúc chết, hơn nữa họ có thể đánh thức tâm tính quan này trong thiền quán và do đó nắm quyền điều khiển nó trọn vẹn.

Bằng cách tập trung tâm vào thân kim cương nói chung và kinh mạch trung ương nói riêng, họ có thể giải trù những hoạt động tâm ở mức thô kệch và tiếp xúc với chân tâm. Với khả năng tập trung cao họ thiền quán về tính không và tính vô ngã của vạn vật, thâm nhập tinh chất thật cũa thực tại, do đó thoát khỏi mọi tà kiến và vọng tưởng. Khi nhập vào cõi bất nhị thanh tịnh, họ kinh nghiệm sự bộc phát của năng lực hoan lạc không thể diễn tả được. Sự hợp nhất của đại lực và tri kiến về tính khôn g(kinh nghiệm này được gọi là Mahamudra, đại ấn) là con đường nhanh nhất dẫn tới giác ngộ viên mãn.

Thay Ðổi Quan Niệm Về Sự Chết

Ðiều quan-trọng trong pháp tu tập cao cấp của Mật giáo là sự hòa tan của khí lực trong kinh mạch trung ương và vì sự việc này diễn ra tự nhiên vào lúc qua đời nên chúng ta cần phải biết rõ về sự chết ngay từ bây giờ.

Nhiều người trong chúng ta không thích nghĩ tới sự chết, nhưng chúng ta cần phải biết tâm của mình hoạt động như thế nào vào lúc thức, lúc ngủ và cả lúc chết nữa. Khi nghiên cứu về những điều người ta vẫn thường tránh né, chúng ta sẽ thấy cai chết không phải là một lỗ đen khủng khiếp đang đợi để hút mình vào, mà là một nguồn an ủi lớn và còn là một niềm vui nữa.

Chúng ta thường nghĩ rằng chết là một điều xấu, nhưng thật ra chết có thể là một kinh nghiệm thú vị hơn những lạc thú thông thường, vì những lạc thú này không thể cho chúng ta sự hoan lạc và bình an dị thường mà kinh nghiệm chết có thể mang lại. Phong cảnh đẹp hay một người bạn có thể làm cho chúng ta hoan lạc tới một mức nào đó nhưng không thể giải quyết một vấn-đề căn bản nào của chúng ta. Những lạc thú thông thường chỉ có thể giải quyết tạm thời những vấn đề tình cảm bên ngoài. Vào lúc chết tất cả những vấn đề tình cảm và mọi phiền não đều chấm dứt. Khi mọi ý nghĩ hỗn loạn tan biến, chúng ta có thể đạt kinh nghiệm về trí huệ siêu việt. Vì vậy, cần phải hiểu rằng, cái chết không phải là một sự hủy diệt bất ngờ và kinh khủng, mà là một tiến trình trong đó tâm của chúng ta trở nên mỗi lúc mỗi tinh tế hơn. Nếu muốn thực hành nghi quý cao nhất, hay nếu chỉ muốn sửa soạn cho những gì mình sẽ trãi qua vào cuối đời, chúng ta nên làm quen với tiến trình này ngay từ bây giờ, nếu để tới lúc chết thì quá muộn.

Sự Chết, Trạng Thái Trung Gian và Tái Sinh

Giáo lý của kinh điển và mật điển có nhiều cách trình bày khác nhau về những vấn đề của luân hồi và cùng đưa ra những giải pháp khác nhau cho những vấn đề này. Theo các kinh điển, nguồn gốc của đau khổ là ngã chấp, tức tà kiến tin tưởng và chấp thủ cái "ta" được coi là có thật. Ðể đối trị với tà kiến này người ta phải học các gây dựng trí huệ về tính không, hoàn toàn đối nghịch với mọi ý niệm về tự tính độc lập. Vậy kinh điển nhấn mạnh vào việc giải trừ tà kiến và thiết lập chánh kiến.

Ðạo pháp Mật giáo không chối bỏ giáo lý của kinh điển nhưng đưa ra vài cách tiếp cận khác, cấp tiến hơn, cho những vấn đề của cuộc đời. Theo giáo lý Mật giáo, mọi sự khó khăn đều phát xuất từ những kinh nghiệm thông thường của chúng ta về cái chết và sau khi chết. Khi chết mà không biết cách kiểm soát, chúng ta dễ lọt vào trạng thái trung gian (bardo) với tâm trạng hoang mang, rồi từ đó chúng ta trải qua sự tái sinh không thể kiểm soát đưa tới một kiếp sống không thể kiểm soát khác. Bánh xe luân hồi cứ quay như vậy, đưa chúng ta từ kiếp sống bất mãn này tới kiếp sống bất mãn khác.

Cần phải nhắc lại rằng sự chết không phải là một điều đáng sợ mà là một cơ hội quý báu. Ðối với ngưòi đã sửa soạn kỹ thì tiến trình chết là cơ hội tốt nhất để kinh nghiệm cái mà mình đã luôn luôn tìm kiếm, đó là tâm tinh quan tinh tế và đầy hoan lạc. Tuy nhiên, dù tâm hoan lạc đó phát khởi tự động trong tiến trình chết, đa số chúng ta không biết lợi dụng nó. Chúng ta không biết gì nhiều về đời sống cũng như cái chết, do đó không thể kiểm soát cái chết một cách tỉnh táo và có ý thức để có thể giải thoát mà cứ để bị dẫn tới một kiếp sống phiền não khác.

Ðể tránh luân hồi đau khổ, chúng ta thực hành một loại thiền quán để chuyển hoá những kinh nghiệm thông thường về sự chết, bardo và tái sinh thành kinh nghiệm giác ngộ của một vị Phật. Vì vậy, pháp đối trị của Mật giáo không đối nghịch với vấn đề, như trí huệ về tính không đối nghịch với tà kiến ngã chấp, mà là một cái gì tương tự vấn đề. Vì pháp chữa bệnh giống với căn bệnh nên những lực thường dẫn tới phiền não và đau khổ có thể được dùng để mang lại sự trong sáng của tâm và sự thành tựu. Ðó chính là lý do Mật giáo được xem là con đường nhanh và nguy hiểm nếu chúng ta thực hành không đúng cách.

Ba Phương Diện Của Phật Quả

Ðể hiểu cách Mật giáo giải quyết những vấn đề sự chết, bardo và tái sinh, chúng ta cần phải biết một chút về ba thân của một vị Phật. Khi mọi tấm màn che phủ tâm đã được gỡ bỏ và khi mọi tiềm năng đã được phát triển hết sức, chúng ta sẽ đắc trong cùng một lúc pháp thân, hay thân sự thật, báo thân, hay thân hưởng phước báo, và hoá thân, hay thân biển lộ trong cõi vật chất, của một vị Phật. Pháp thân là tâm tự tại, vô giới hạn của một đấng giác ngộ, còn hai thân kia là hai mức mà tâm này tự biểu lộ để làm ích lợi chochúng sinh. (Pháp thân được coi là tượng trưng sự thành tự ý nguyện của mình bằng việc đạt được những phẩm tính siêu việt của tâm. Báo thân và hóa thân tượng trưng sự thành tựu ý nguyện của người khác bằng sự biểu lộ tự nhiên của một vị Phật trong những hình dạng mà người thường có thể tiếp xúc.

Kinh nghiệm về ba thân là kinh nghiệm giác ngộ trọn vẹn. Là những người thường, chúng ta chưa có kinh nghiệm này, nhưng có thể đạt được một cái gì tương tự và theo phương pháp kết quả của Mật giáo thì chúng ta đang đạt được! Giống như người ta cố gắng để có những mục tiêu vật chất tốt nhất, ngay bây giờ, khi thực hành Mật giáo chúng ta tìm cách đạt kinh nghiệm hoan lạc của sự kiểm soát có ý thức tất cả những phương tiện của đời sống ngay trong hiện tại.

Thân Người Là Quý

Việc chuyển kinh nghiệm chết, bardo và tái sinh thành con đường đạt giác ngộ không phải là một ảo tưởng. Với thân xác vật chất chúng ta có thể làm được việc này. Theo giáo lý của các kinh điển, thân thể của chúng ta thường được coi là một chướng ngại. Thân vật chất suy thoái từng khoảnh khắc, hay bị bệnh và thu hút đau khổ như nam châm hút sắt. Thật vậy, diệu đế thứ nhất đời là khổ có thể được diễn dịch là thân xác chính là đau khổ. Giáo lý Mật Giáo có ý kiến khác về thân vật chất. Không phải là một chướng ngại, thân người được coi là vật quý báu nhất vì nó chứa mọi đồ trang bị cho việc đạt giác ngộ ngay trong đời này. Thân xác được cấu tạo bởi bốn nguyên tố: đất, nước, gió, và lửa, và vì sinh ra từ bào thai, nó chứa các giọt tinh trắng và đỏ, ngưyên là của cha và mẹ, cần thiết cho việc kích thích lực hoan lạc của kinh nghiệm kundalini, tức là đưa khí lực vào kinh mạch trung ương.

Ðã có thân người, chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội thực hiện trọn vẹn tiềm năng của mình. Chúng ta đừng giống như những người không biết cách dùng cho đúng tài nguyên thiên nhiên của họ. Thí dụ, tôi được biết rằng có nhiều nông dân Nepal đốn những cây xoài của họ để làm củi. Một cây xoài phải mất nhiều năm để sinh trái, vì vậy rất quý, nhưng những người này hình như không biết như vậy, không biết dùng mà lại hủy hoại những cây xoài quý này, hậu quả là đất canh tác bị soi mòn và không còn gì cả. Nếu không dùng năng lực quý báu của thân thể cho việc đạt giác ngộ, mà lại lạm dụng nó trong cuộc theo đuổi những mục tiêu vô nghĩa của cuộc đời thì chúng ta còn dại dột hơn những người nông dân đó nhiều. Chúng ta nên làm như những nhà khoa học biét cách khai thác năng lượng từ mọi thứ, như ánh sáng mặt trời, thủy triều, gió và những thứ khác, cũng biết cách dùng năng lượng này cho mục đích xứng đáng. Nói cách khác, chúng ta nên vận dụng tài năng cao nhất cho việc chuyển hóa thân thể hiện tại của mình từ một nguồn đau khổ và bất mãn thành con đường đầy hoan lạc dẫn tới hạnh phúc tối thượng cho mình và người khác. Ðây là mục tiêu tối hậu của mọi pháp tu tập Mật giáo.

Tiến Trình Chết

Khi thân thể tính giác ngộ hay chân tính, được thực hiện thì hành giả sẽ đắc pháp thân, báu thân,và hóa thân cùng một lúc. Nhưng về mặt tu tập thì ba thân này tiến hóa dần dần trong một tiến trình giống như tiến trình tự nhiên của sự chết, trạng thái trung gian Barlo và tái sinh. Vậy như đã nói, trước hết chúng ta phải hiểu tiến trình tự nhiên này diễn ra như thế nào để có thể hiểu sự thành hình của ba thân giác ngộ.

Chết là sự phân ly giữa tâm với thể xác. Sự phân ly này có thể diễn ra trong vài giờ hay vài ngày tùy theo cái chết do nguyên nhân tự nhiên hay cái chết bất ngờ vì tai nạn. Nhưng cả hai trường hợp đều có một số giai đoạn xác định trong tiến trình chết. Thể xác không mất khả năng giữ tâm thức ngay một lúc, mà mất đi dần dần khi mỗi nguyên tố của thể xác như đất nước gió và lửa lần lượt mất khả năng hổ trợ của mình.

Các sách Mật giáo viết về tiến trình chết diễn tả một cách linh động bốn giai đoạn đầu tiên của sự chết. Trước hết nguyên tố đất chìm, hay tan vào trong nguyên tố nước, rồi nguyên tố nước tan vào nguyên tố lửa, nguyên tố lửa tan vào nguyên tố gió và nguyên tố gió tan vào chính tâm thức. Lối diễn tả này có ích cho việc thiền quán nhưng không tiêu biểu theo nghĩa đen. Thí dụ nguyên tố đất "chìm" vào trong nguyên tố nước có nghĩa là khi những phần thuộc chất đặc của thân thể mất dần khả năng hoạt động và trở nên bớt ràng buộc hơn với tâm của người hấp hối, những thành phần thưộc tính chất lỏng có vẻ mạnh hơn và nhiều hơn.

Khi những thành phần vật chất này lần lượt trở nên mạnh hơn hoặc yếu hơn, người hấp hối kinh nghiệm một số dấu hiệu bên ngoài và bên trong nội tâm liên quan tới mỗi giai đoạn của tiến trình phân giải. Những dấu hiệu hay ấn chứng này đã được mô tả chi tiết trong các sách khác nên không cần phải nói tới ở đây. Tuy nhiên, chúng ta nên kể một số linh ảnh, hay thị kiến thường xuất hiện lúc vừa chết.

Thông thường khi chết ngưòi ta không thể tự kiểm soát được nữa. Vì trong đời sống họ không tu tập nên kinh nghiệm chết làmcho họ rối loạn và hoang mang, trong khi các thành phần của thể xác mất thăng bằng và không hoạt động một cách hòa hợp nữa. Họ cảm thấy dường như mình đang ở giữa một trận động đất dữ dội và vì vậy nếu không phải là bất khả thì cũng rất khó cho họ giữ bình tĩnh để ý thức. Những gì đang diễn ra, Vậy sự chết được kinh nghiệm như một loạt những ảo giác đáng sợ, một tai họa khủng khiếp. Nhưng đối với một người đã sửa soạn thì những thị kiến đó lại mang tới thêm sự an tỉnh. Còn với những hành giả trình độ cao thì mỗi giai đoạn của tiến trình phân giải sẽ mang lại trí huệ và sự trong sáng mỗi lúc mỗi nhiều hơn.

Theo tâm lý học Phật giáo, một đối tượng mang lại thỏa mãn hay không là tùy thuộc vào quyết định đã có trước của tâm thức. Trước khi bạn nhìn thấy một vật đặc thù nào đó, tâm của bạn đã nghĩ tới và quyết định: "Một vật như vậy sẽ làm cho mình hạnh phúc". Và khi nhìn thấy nó bạn nghĩ: "Ôi đẹp quá" Phản ứng ghét hay đố kỵ cũng giống như vậy. Nếu tâm thức đã quyết định là mình không thích một người nào thì khi gặp người đó bạn sẽ chỉ thấy một người đang bất mãn. Chúng ta thích cái gì thì cho cái đó là tốt, ghét cái gì thì cho cái đó là xấu, vì vật đó chỉ là những ý niệm gỉa tạo của tâm.

Những điều nói trên liên quan gì tới kinh nghiệm chết? Phật giáo dạy rằng muốn sống sung sướng và chết hạnh phúc thì phải nhận ra tính chất thật của sự vật chứ không để cho sắc tướng bên ngoài mê hoặc. Trong đờì sống chúng ta gặp hết đìều bất mãn này tới điều bất mãn khác vì tin rằng những ý kiến của mình về sự vật là đúng và vì vậy chúng ta dùng hết thời giờ và sức lực để theo đuổi những gì mình thích, trốn tránh những gì mình ghét. Trong đời sống, chúng ta tạo thói quen liên hệ với sự vật bằng việc tham muốn hoặc sự kiên kỵ, như vậy nên hậu quả là vào lúc chết, khi mọi vật tan rả, tâm của chúng ta sẽ rối loạn.

Ðể tránh điều nói trên chúng ta phải biết rằng vạn vật chỉ là những hình tướng đối với tâm, không có một chút sự tự có độc lập nào và chỉ phát sinh từ nhân duyên, mọi sự vật đều giống như những ảo giác. Khi tâm thức của mình trải qua tiến trình chết chúng ta cũng hiểu biết như vậy đối với những thị kiến xuất hiện liên tiếp. Chúng ta nên làm quen với những gì mình sẽ gặp khi chết, để có thể dối phó với những ảo giác này, thay vì để chúng tràn ngập và làm cho mình rối loạn. Trong lúc sống cũng như khi chết, điều quan trọng là biết ảo giác chỉ là ảo giác, những phóng chiếu của tâm chỉ là những phóng chiếu và ảo tưởng chỉ là ảo tưởng, như vậy chúng ta sẽ an nhiên tự tại.

Sự Chết Và Pháp Thân

Trước hết chúng ta hãy xét những gì sẽ xảy ra cho mình nếu không tu tập và không sửa soạn, mình chết trong trạng thái lo sợ và hoang mang. Tuyệt vọng bám vào cái "ta" được coi là vững chắc, chúng ta sẽ hốt hoảng khi thân xác của mình bắt đầu tan rã. Khi nguyên tố đất của cơ thể hủy hoại và nguyên tố nước có vẻ trở nên mạnh hơn, tâm chúng ta sẽ đầy một thứ ảo ảnh có màu xanh bạc lấp lánh. Chúng ta cảm thấy tù túng và ngẹt thở cứ như mình đang bị chôn vùi trong đất hay bị kẹt trong một vụ đất lở. Sau đó nguyên tố nước chìm vào nguyên tố lửa và hình ảnh một làn khói xoay tròn hiện ra, chúng ta cảm thấy như mình đang chết đuối hay bị một giòng nước lũ cuốn đi. Kế tiếp, nguyên tố lửa tan biến và thân thể chúng ta lạnh dần, rồi xuất hiện hình ảnh những đóm ánh sáng giống như những tia lửa nhẩy múa trên một ngọn lửa trong đêm. Có những người hấp hối kêu lên trong tiến trình này vì nghỉ là mình đang bị lửa đốt. Sau cùng, nguyên tố gió tan biến, hơi thở ngắn lại, chúng ta cảm thấy mình chao đảo như chiếc lá bị gió thổi, cũng với kinh nghiệm này là thị kiến về một ngọn lửa đang tàn dần trong một căn phòng tối và giống như một ngọn nến vụt sáng lên trước khi tắt, ngọn lửa này bùng vở trong nỗ lực cuối cùng của mình. Hơi thở của chúng ta, trước đây đã yếu dần, lúc này hoàn toàn ngừng lại. Ðối với thế giới bên ngoài thì chúng ta có vẻ đã chết (và đây thường là dấu hiệu cho những người tụ tập quanh chúng ta bật khóc)

Nhưng chúng ta chưa chết. Bốn nguyên tố của thể xác và những ý niệm liên hệ với chúng đã ngừng hoạt động, nhưng vẫn còn những mức tâm thức tinh tế để hòa nhập. Ðiều này xẩy ra khi giọt trắng tinh tế nhận từ cha vào lúc hoài thai, trụ ở đỉnh đầu trong lúc sống và giọt đỏ nhận của mẹ, trụ ở bụng, tiến lại nhau và rốt cuộc gặp nhau ở chỗ trái tim. Khi giọt trắng đi xuống chúng ta thấy thị kiến cõi không thấm nhập bởi một màu trắng và khi giọt đỏ đi lên, chúng ta thấy hình ảnh cõi không thấm nhập một màu đỏ. Hai giọt này gặp nhau, làm thành một bầu chứa tâm thức nguyên thủy, rất tinh tế của chúng ta cùng với khí lực liên 1uân tới tâm thức này ở tim và chúng ta cảm nhận một mầu đen như trong một căn phòng hoàn toàn tối. Mầu đen này sẽ mỗi lúc mỗi đen hơn cho tới khi chúng ta rơi vào vô thức hoàn toàn.

Nhưng chúng ta vẫn chưa chết. Bên trong bầu này ở luân xa tim là tâm thức rất tinh tế của chúng ta và khí lực tinh tế liên quan tới nó. Sau một thời gian có thể lâu tới ba ngày kể cả với người không tu tập, bầu này mở ra và tâm chúng ta được soi sáng. Tâm rất tinh tế thức tỉnh và thị kiến cõi không trong sạch và sáng ngời. Tâm thức tinh quan này là trạng thái tâm cuối cùng và tinh tế nhất trong tất cả những trạng thái tâm mà chúng ta kinh nghiệm trong đời.

Ðối với người thường thì tất cả những sự hòa nhập này, từ sự xuất hiện của thị kiến ảo ảnh đầu tiên cho tới sự xuất hiện của ánh sáng trong suốt, đều không được kiểm soát. Chúng xuất hiện liên tiếp nhau nhưng chúng ta gần như không biết gì về chúng, vì tâm lúc này quá rối loạn. Còn những người đã tu tập tốt từ trước sẽ giữ được ý thức rõ ràng về mọi sự việc diễn ra trong tiến trình này. Họ biết thị kiến kế tiếp nào sẽ tới và hiểu rằng chúng chỉ là những ảo ảnh xuất hiện với tạm trong lúc hấp hối, không tự hiện hữu độc lập như một cái gì độc lập ở bên ngoài. Vì hiểu biết như vậy nên họ không sợ gì cã trong lúc qua đời này. Tâm của họ sẽ mỗi lúc mỗi tinh tế hơn, trí huệ về tính không của thực tại trở nên mổi lúc mỗi sắc xảo hơn. Rốt cuộc, khi tính quang xuất hiện, tâm rất tinh tế này hòa nhập bất khả phân với tính không trong sự hoan lạc không thể diễn tả được. Ðối với một người như vậy, chết là một cơ hội quý báu để hoàn thiện hóa trí huệ về cái bất nhị, tức tính không. Trí huệ trong sáng, vô chướng ngại này là phương tiện để một người có tu tập dùng trong việc chuyển hóa tiến trình chết thông thường thành kinh nghiệm pháp thân giác ngộ.

Kinh nghiệm pháp thân về bất nhị là điều vượt ngôn từ, vượt diễn dịch, vượt ý niệm. Người nào nói về kinh nghiệm này sẽ gặp nguy cơ trình bày sai sự thật. Vậy các bạn không nên tin những lời sai lầm của tôi. Dù khéo đến đâu, ngôn từ vẫn là sự biểu lộ của những ý niệm giới hạn và được hiểu bởi tâm giới hạn. Ðiều cần thiết là đạt được chính kinh nghiệm và vượt lên trên ngôn từ thường được dùng để mô tả nó. Ðó là lý do Mật giáo nhấn mạnh tới thực hành hơn là lý thuyết.

Việc nghiên cứu các kinh sách Phật giáo và nhận xét phân tích chúng một cách sắc xảo là điều tốt, nhưng có khi lối tiếp cận phân tích này gây tai hại thực sự. Một trong những đạo sư của tôi có lần nói với tôi rằng: "Tới một lúc nào đó con phải bỏ cách hiểu sự vật qua triết lý. Con phải vượt lên trên mọi tranh luận". Lời dạy này làm tôi ngạc nhiên, vì lúc đó tôi còn trẻ, hăng say, thích phân tích và phê bình tất cả những gì mình được biết. Nhưng về sau tôi hiểu ý của ngài là việc kẹt trong những ức đoán của lý trí có thể ngăn cản chúng ta đạt những kinh nghiệm thiền quán sâu xa. Vậy, cần phải biết lúc nào nên thả lỏng và để cho tâm của mình trụ trong trạng thái tự nhiên có tính chất trong sáng.

Các vị thầy thực sự tài năng của tất cả các truyền thống tâm linh luôn luôn nhấn mạnh rằng có những lúc người ta không nên phân tích hay lý luận gì cả. Thí dụ, dùng lý trí để phân tích trong khi thực hành giai đoạn thành tựu của nghi quỹ yoga tối thượng là sai lầm lớn. Vì khi bạn dùng lý trí thì tự nhiên đủ loại tà kiến sẽ xuất hiện. Tâm của bạn sẽ quá bận rộn và rung động với năng lực phân tán của những ý niệm hỗn tạp đó. Sau đó, vì mỗi trạng thái tâm liên kết với khí lực của riêng mình nên hệ thống kinh mạch tinh tế cũng sẽ bận rộn rung động với những khí lực khác nhau. Như vậy, bạn không thể kiểm soát được hệ thống kinh mạch trong khi thực hành những pah1p giai đoạn thành tựu này, người Tây Tạng gọi là "lung", nghĩa là khí lực vô tác dụng ở tim. Như với tất cả những phương tiện củ đường đạo, có lúc cần phải dùng lý trí và có lúc phải dẹp nó qua một bên.

Bardo Và Báo Thân

Ðối với người thường, khi ánh sáng trong suốt chấm dứt, tâm kinh nghiệm những thị kiến của kinh nghiệm pháp thân vừa được nói ở trên nhưng theo thứ tự ngược lại, từ bóng tối của vô thức tới thị kiến ảo ảnh. Vào lúc bắt đầu tiến trình đảo ngược này, tâm rời thể xác và người ta thực sự chết. Ngay sau đó là trạng thái trung gian Bardo, và lúc này tâm lại mất kiểm soát. Với tốc độ của ý nghĩ, chúng ta bị đẫy từ tình trạng này tới tình trạng khác như trong một giác mơ, nhưng giấc mơ này thường là một cơn ác mộng. Có khi những thị kiến kinh khủng xuất hiện làm cho chúng ta hoảng sợ bỏ chạy, những hình ảnh này phát xuất từ những nghiệp xấu mà mình đã tạo trong quá khứ. Cũng có khi những hình ảnh cám dỗ xuất hiện, và chúng ta ham muốn đuổi theo chúng để rồi sẽ chỉ có bất mãn. Những sự kiện này đã xẩy ra khi chúng ta còn sống, suốt đời chúng ta tìm kiếm sự an toàn, theo đuổi những gì mình ưa, trốn tránh những gì mình ghét. Nhưng bây giờ tình cảnh của chúng ta cực đoan hơn. Vì thân Bardo của chúng ta trong cõi trung gian này được cấu tạo bằng khí lực tinh tế, nên có thể đi xuyên qua vật chất không bị cản trở một chút nào cả và do đó chúng ta dễ bị đưa vào những tình cảnh khác nhau bởi chính tâm hoảng sợ hay ham muốn của mình.

Ðây là kinh nghiệm bardo thông thường nhưng một lần nữa các hành giả hiểu biết có thể chuyển hóa kinh nghiệm này thành phương tiện đạt giác ngộ. Vì họ đã tu luyện để có thân cầu vồng nên khi tịnh quang lúc chết chấm dứt họ sẽ có thân ánh sáng rực rỡ thay vì thân bardo thông thường. Như vậy họ chuyển hóa kinh nghiệm bardo thông thường thành kinh nghiệm báo thân.

Tái Sinh Và Hóa Thân

Tiến trình chết và bardo thông thường không được kiểm soát mà chỉ có động lực là tính chấp thủ, sự tái sinh thông thường cũng có tính cách như vậy. Sau giai đoạn bardo, chúng ta bị gió nghiệp thổi tới nơi cha mẹ tương lai của mình. Ở đó tâm lẫn lộn những cảm giác mong muốn và trốn tránh, rồi chúng ta bất tỉnh và nhập vào bào thai của mẹ. Ðây là lúc bắt đầu một cuộc đời bất tịnh và đau khổ. Thân vật chất của chúng ta chịu những nỗi khổ của sinh, lão, bịnh, tử, còn tâm trí hay thần thức như một dòng tiếp tục chảy từ kiếp trước, sẽ chịu sự bức bách của các tính tham, sân, si, và tạo nghiệp xấu gây ra bất mãn và đau khổ trong tương lai.

Một hành gỉa tài năng có thể chuyển hóa kinh nghiệm tái sinh thông thường này cùng một cách với việc chuyển hóa kinh nghiệm chết và bardo. Thay vì di chuyển từ trạng thái bardo tới kiếp kế tiếp với lực vô minh và chấp thủ, rơi vào vô ý thức, nay những người đã tu tập có thể tự ý chọn sự tái sinh của mình một cách có ý thức. Vì không còn chấp thủ hình tướng thông thường, họ cảm thấy cha mẹ tương lai của mình và chính mình là những vị thần. Tùy theo trình độ tu tập và pháp thực hành của họ trong kiếp trước, họ còn có thể tái sinh trong một tĩnh thể, tức trạng thái hiện hữu trong đó mọi vật đều dẫn tới sự thật giác ngộ. Nếu sinh ra trong cõi vật chất, họ có thể chọn hoàn cảnh sống nào thích hợp cho việc phát triển tâm linh để tiếp tục thực hành tu tập cho tới khi đạt giác ngộ hoàn toàn như vậy, họ chuyển hóa kinh nghiệm tái sinh thông thường thành kinh nghiệm hóa thân giác ngộ.

Ðó là sơ lược về cách chuyển hóa sự chết, bardo và tái sinh thành ba thân giác ngộ của các hành giả Mật giáo, đủ cho chúng ta biết về một mục đích của pháp tu tập cao nhất của Mật giáo. Hiện tại chúng ta vẫn bị các lực của vô minh và nghiệp xấu tràn ngập, lôi cuốn trong luân hồi, không có khả năng kiểm soát hay tự chọn đời sống. Không phát triển trí huệ để chuyển hoá sự sống và sự chết thành kinh nghiệm giác ngộ của một đức Phật, chúng ta sẽ tiếp tục luân hồi trong đau khổ, luôn tìm kiếm hạnh phúc nhưng chỉ gặp bất mãn.

Ðoạn Lìa Tái Sinh

Chúng ta đều có thể thấy rõ những kinh nghiệm về sự chết, bardo và tái sinh là nguồn gốc của mọi khó khăn của mình. Vì chúng ta sống, chết, và tái sinh với tâm và thể xác không được kiểm soát nên bây giờ chúng ta phải chịu nhiều nỗi khổ về tâm và thể xác trong đời sống. Có thể nói, nếu không sinh ra đời thì những nỗi khổ đó đã không có. Bằng pháp tu tập của nghi quý cao nhất chúng ta có thể tránh được việc tái sinh trongmột đời sống đáng bất mãn.

Người ta có thể không hiểu, khi nghe nói tu tập Mật giáo có thể đoạn lìa tái sinh. Họ sẽ hỏi đoạn lìa tái sinh để làm gì, tại sao lại bỏ cơ hội sống lại ở thế gian để không hiện hữu gì cả, và họ không đồng ý như vậy.

Chúng ta nên hiểu rằng :"đoạn lìa tái sinh" có ý nghĩa đặc biệt là thoát khỏi kinh nghiệm tái sinh không kiểm soát. Chúng ta có thể tu tập đạt thành tựu mà vẫn trở lại thế gian này, vì do động lực bồ-đề-tâm chúng ta không muốn bỏ rơi người khác, chúng ta sẽ trở lại vì lợi ích của họ. Ðức Phật đã tái sinh và sống kiếp cuối cùng để làm lợi ích vô tận cho chúng sinh. Hiện tại, chúng ta tái sinh không có sự kiểm soát chỉ để tiếp tục luân hồi đau khổ; đây là lối tái sinh cần phải được đoạn lìa. Sự chết và bardo cũng vậy, kinh nghiệm chết và bardo không được kiểm soát phải được chuyển hóa.

Cuộc đời không có kiểm soát và đầy tham, sân, si của chúng ta chắc chắn sẽ kết thúc với cái chết không kiểm soát và trong lúc chết những vô minh đó sẽ làm cho tâm rối loạn hơn. Những ảo giác phát sinh từ sự phân giải của các nguyên tố thể xác, sẽ tràn ngập và làm chúng ta bước vào trạng thái trung gian với hoảng sợ và mong ước lẫn lộn. Ở cõi bardo, vì có thân tâm thức thay vì thân vật chất nên những tà kiến vốn có sẵn sẽ có ảnh hưởng mạnh hơn với chúng ta. Mỗi cảm xúc hay ý niệm sai lầm xuất hiện trong tâm sẽ tức khắc đưa chúng ta vào tình trạng gỉa ảo tương ứng. Ðây là một tình trạng cực kỳ khủng khiếp và rốt cuộc, khi nhận được thị kiến về cha mẹ tương lai của mình, lòng mong ước sự an toàn sẽ thúc đẩy chúng ta tái sinh và chúng ta bắt đầu một kiếp sống nữa. Không có chỗ nào an tĩnh để nghĩ ngơi, vì đời sống thông thường trong cõi luân hồi không có tính chất an toàn và hạnh phúc, dù chúng ta vẫn mong ước và tìm kiếm.

Mục đích của pháp tu tập Mật giáo là giúp chúng ta thoát luân hồi đau khổ. Bằng việc tu tập để tâm vượt qua được sự chế ngự của hình tướng gỉa ảo thông thường và bằng việc sửa soạn trước cho những gì mình sẽ trải qua vào lúc chết và lúc tái sinh, chúng ta sẽ có khả năng chuyển hóa những kinh nghiệm chết, bardo, và tái sinh thành kinh nghiệm giác ngộ về ba thân của một vị Phật.

Ptpt = Muốn tái sinh có ý thức (tức chọn cảnh sình giới mà đến) ta phải tỉnh thức cả 3 bardo : bardo thức, bardo ngủ và bardo mộng. Như chiếc chìa khoá, khi làm chủ được một bardo, thì ta dễ dàng thành tựu được 2 bardo kia. Thông thường đang sống trong cõi động nên ta đã tu tập bardo Thức, vì mượn âm thanh lẫn thần lực mà vào nên Tịnh Mật là pháp tối đa.

( * ) Trở lại Mục Lục        ( * ) Xem tiếp chương kế