11. Tự Biểu Lộ Như Một Vị Thần

Tự Hạ và Biểu Lộ Thiêng Liêng

Ðiều quan trọng nhất về tu tập Mật Giáo là chứng nghiệm, hay nếm mùi vị, một cái gì có ý nghĩa đối với mình. Dù miếng sô-cô-la của bạn nhỏ bao nhiêu bạn cũng nếm và thỏa mãn với nó, chỉ có thế thôi. Vì vậy, những người suy nghĩ rõ rệt về một điều tâm đắc, thì đó là những người thực hành thật sự. Họ là những người sẽ đạt chứng nghiệm điều tâm đắc của mình.

Tâm nhị nguyên thông thường, hay cái được gọi là óc thực tế, luôn luôn cho rằng có cái gì không đúng, có cái gì thiếu xót về mình và hoàn cảnh của mình. Nó luôn luôn phê bình. Ðó là lối nghĩ của tâm nhị nguyên: luôn luôn có cái gì không hoàn toàn. Tâm nhị nguyên của chúng ta thường nhận định hay đánh giá sai lầm; một tâm bất mãn, rối loạn không bao giờ đi theo trung đạo. Nó thường nghĩ một cách vô tâm hay hữu ý: "Mình không trong sạch. Mình đã sinh ra với ô trược, hiện mình đang ô trược, mình sẽ chết với ô trược và xuống địa ngục !". Chúng ta có thể coi mình là có tôn giáo hay không theo tôn giáo nào, duy tâm hay duy vật, nhưng khi còn xa cách thực tại căn bản, chúng ta còn chịu ảnh hưởng của những ý tưởng tự hạ, sai lầm đó. Nếu muốn thoát khỏi mọi bệnh tật của thể xác và tâm, chúng ta phải tuyệt đối loại bỏ lối suy nghĩ tai hại này. Mặc cảm tội lỗi là cái cần phải được thanh lọc.

Mật giáo nói rằng loài người có tính chất thiêng liêng. Chân tính của mỗi người là một thực thể thiêng liêng trong sạch. Ðể hiểu điều này và để làm cho sự hiểu biết này trở thành một thành phần bất khả phân trong đời sống của mình chứ không chỉ là một kiến thức của lý trí, chúng ta cần phải biểu lộ mạnh mẽ như một vị thần.

Việc tự biểu lộ như một vị thần không thuộc về riêng một nền văn hóa hay một tín ngưỡng nào. Sự thật là bạn đã biểu lộ rồi. Khi biểu lộ hình ảnh tự hạ của mình bạn không nghĩ rằng mình đang làm theo truyền thống của một nền văn hóa nào, bạn tự ý làm như vậy. Bây giờ, khi không còn thói quen sai lầm này nữa, bạn hãy gây dựng lòng kiêu hãnh thiêng liêng và tự biểu lộ như một vị thần. Hãy bắt đầu sống theo chân tướng dũng mạnh của mình.

Cách tốt nhất để thực hành biểu lộ như một vị thần là pháp thiền quán ba thân. Các vị thầy vĩ đại của Mật giáo, như Lama Tzongkhapa, đã nói rằng không có gì cần thiết hơn pháp tu tập này.

Phân Giải

Tu pháp của vị thần mà chúng ta dang thực hành có thể trình bày chi tiết về pháp tu tập ba thân, nhưng phần trình bày tóm tắt sau đây cũng đủ cho chúng ta. Trước hết chúng ta quán niệm về sự quy y Tam Bảo của mình và việc phát bồ đề tâm nguyện đạt giác ngộ vì lợi ích chúng sinh. Sau đó, chúng ta thực hành đạo sư quán, pháp căn bản của Mật giáo, quán tưởng vị thầy của mình ở trước mặt và coi ngài là hiện thân của mọi phẩm tính giác ngộ mà mình muốn thực hiện trong nội tâm. Chúng ta tưởng tượng vị thầy ở trên đầu, phân giải thành ánh sáng và đi vào tim mình. Khi vị Thầy nhập vào chúng ta như vậy, hãy quán tưởng mình đang kinh nghiệm các thị kiến lúc chết dẫn tới sự xuất hiện của tâm thức tịnh quang rất tinh-tế. Như vậy là chúng ta đã thiền quán về sự hợp nhất giữa trí huệ an lạc của vị thầy với tâm rất tinh tế của mình. Nhớ lại lễ truyền pháp mà mình đã thọ nhận và sự tiếp sức của mình với lòng từ bi và tâm trong sáng của Thầy, chúng ta nên tưởng tượng sự hợp nhất này là cực kỳ hoan lạc. Càng kinh nghiệm được nhiều hoan lạc này càng tốt cho tiến trình chuyển hóa.

Kinh nghiệm hợp nhất hoan lạc và tinh tế này vượt mọi ý niệm nhị nguyên thông thường của chúng ta. Khi mọi sắc tướng thông thường tan biến vào cõi không của trí huệ bất nhị và đại lạc, chúng ta cố tập trung vào sự phân giải này. Chúng ta nên nghĩ :"Ðây là pháp thân và mình thật sự là pháp thân này". Do tự đồng hóa trọn vẹn với pháp thân, chúng ta chuyển hóa kinh nghiệm chết thông thường thành đường đạo dẫn đến giác ngộ.

Khi thiền quán về pháp thân như vậy, những ý niệm ngã chấp của chúng ta sẽ giảm bớt; những kinh nghiệm và kết quả đó đủ để được coi là kinh nghiệm về tính không thực sự. Ðừng bao giờ nản chí mà nghĩ rằng mình không thực hiện tính không nào cả, hay không hiểu tính không nghĩa là gì, không biết thực hành gì cả. Lối nghĩ này là một chướng ngại, dù sao chúng ta cũng đã có một kinh nghiệm nào đó về tịnh quang. Trong quá khứ chúng ta đã chết bao nhiêu lần rồi và Mật giáo giải thích rằng tiến trình chết tự-động bao gồm việc khám phá tịnh quang và tính bất nhị của toàn thể. Không chỉ trong lúc chết mà ngay khi ngủ và hoan lạc tính tục chúng ta cũng nếm một chút toàn thể tịnh quang này. Những kinh nghiệm này phần nào phá bỏ hay giảm nhẹ những ý tưởng tự hạ. Vậy đừng nghĩ ngợi về việc sự hiểu biết về tính không của mình phải sâu xa bao nhiêu. Lúc này bạn chỉ cần buông bỏ những ý niệm cụ thể về sự vật và để cho tính chấp thủ của mình tan biến vào cõi không tịnh.

Hãy giữ cảnh giác và cảm thấy rằng tâm cảnh giác này là trí huệ bao trùm cõi không thanh tịnh. Trong không gian này không có sự tự hạ và tủi thân. Ðể cho tâm trụ trong cõi bao la này để thoát mọi phiền não và mọi ý nghĩ sai lầm và biết đây là kinh nghiệm pháp thân thực sự. Trạng thái tự nhiên, thanh tịnh này không có một chút ý nghĩ tạp nhạp nào và là thực tại mà bạn chỉ việc để cho tâm của mình trụ ở đó với sự cảnh giác trong sáng.

Có thể bạn cảm thấy khó chịu với lối giải thích này về kinh nghiệm tịnh quang. Bằng lý trí bạn có thể phản đối :"Hãy khoan, Thubten Yeshe! Nếu cho rằng tính không chỉ là sự trống không của không gian thì ông lầm rồi. Ông đã đơn giản hóa quá mức một đề tài rất phức tạp. Ðây không phải là quan điểm của Nagarjuna. Ðây không phải là triết lý Trung Ðạo. Tính không thực sự không phải là giả vờ tan biến vào cõi không" Bạn có thể tranh luận về mọi điểm triết lý tinh tế để chứng minh rằng tính không không có nghĩa là sự phân giải rồi hòa nhập vào cõi không, nhưng lý luận như vậy là vô ích, vì lối tiếp cận tính không bằng lý trí thường trở thành chướng ngại cho việc đạt kinh nghiệm thực sự về tính không. Bạn có thể viết một cuốn sách phản bác thuyết tính không là cõi không, hay tranh luận suốt đời về đề tài này, nhưng như vậy chỉ lãng phí thời giờ.

Ðúng là khi nghiên cứu chúng ta cố gắng đạt quan kiến tính không thật đúng về mặt triết lý để có thể hiểu tính không một cách chính xác như Nagarjuna và các luận sư vĩ đại khác đã hiểu, nhưng bây giờ, trong việc thiền quán này, chúng ta không nghiên cứu và phân tích mà chỉ thực hành. Và trong phạm vi thực hiện kinh nghiệm tịnh quang pháp thân, tất cả các đạo sư Ấn Ðộ và Tây Tạng đều nói rằng cõi không là thí dụ tốt nhất cho việc hiểu tính bất nhị, tức tính không.

Ðể đạt kinh nghiệm tính không thực sự bạn phải bắt đầu ở một chỗ nào đó. Bạn phải có một chứng nghiệm nào đó về trạng thái vượt lên trên những ý nghĩ vị kỷ, trần tục về sự vật. Ðây là điều chính yếu. Chúng ta phải buông bỏ mọi ý niệm giới hạn, cụ thể, thô kệch vốn đã giam giữ mình trong quan kiến trần tục, không thỏa đáng về bản thân và vạn vật.

Về mặt lý luận, trong tính không không có hình thể, âm thanh, mùi vị hay những thứ khác. Quan niệm này có thể được chuyển thành kinh nghiệm thực sự bằng cách để cho tất cả tan hóa vào cõi không trong việc hòa nhập của tiến trình chết. Trong lúc phân giải đó tâm không thể tiếp xúc với thế giới cảm giác như trước kia. Trong cõi tính không tịnh quang không có sắc tướng, mùi vị, cảm giác và những thứ khác. Mọi thắc mắc nhị nguyên chật hẹp đều biến mất và kết quả là trạng thái tự nhiên của tâm có cơ hội phóng tỏa, bao trùm toàn thể thực tại. Bạn cố gắng trụ thật lâu trong trạng thái bất nhị, bao la này và cảm thấy việc này làm cho mình đạt pháp thân thực sự, tức trí huệ giác ngộ viên mãn.

Tái Xuất Hiện

Tới lúc này chúng ta sẽ làm gì để đạt kinh nghiệm báo thân? Khi trụ trong cõi pháp thân bạn buông bỏ tất cả những gì thường làm rộn tâm của mình. Nhưng một lúc sau đó, những ý nghĩ tương đối sẽ lại nổi lên, phần nào thu hút tâm của bạn, làm cho bạn chú ý tới chúng. Ðây là lúc bạn chuyển từ kinh nghiệm pháp thân tới kinh nghiệm báo thân.

Khi những tư tưởng nhị nguyên xuất hiện trong tâm, hãy nhớ tới ý nguyện bồ-đề-tâm làm lợi ích cho người khác rồi cương quyết xuất hiện với một hình dạng mà người khác có thể cảm nhận. Lúc đó trong cõi bất nhị, tức cõi không tịnh quang có một cái gì bắt đầu xuất hiện. Ðó là một đám mây nhỏ bất ngờ xuất hiện trong cõi trong sáng. Vào lúc này, hình dạng và mầu sắc của vật gì xuất hiện trong cõi nội tâm của bạn tuy thuộc vào pháp môn mà bạn đang thực hành. Trong nhiều tu pháp đó là một chữ, hay chủng tự, tượng trưng cho vị thần. Vật đó có thể có hình dấu phẩy, hình hạt, hay một hình dạng khác. Nhưng dù là gì bạn cũng nên hiểu đó là một sự biểu lộ tinh tế của tâm thức mình. Ðó không phải là một vật ở bên ngoài mà mình nhìn thấy và bạn nên có cảm giác hợp nhất trọn vẹn với nó.

Cũng như đã biết rõ cõi tịnh quang là kinh nghiệm pháp thân thực sự, bây giờ bạn nên tự đồng hóa với thể trong suốt và tinh tế này, tương tự thân vô vật chất của mình trong kinh nghiệm brado thông thường, chính là kinh nghiệm báo thân thực sự. Ðiều này cũng nên được kinh nghiệm như sự hợp nhất bất khả phân của đại lạc và trí huệ mà bây giờ được coi là báo thân giác ngộ. Lúc này bạn hãy nghĩ :"Ðây là báo thân thực sự. Mình thực sự là báo thân này" Trong một lúc, duy trì sự xuất hiện rõ rệt của chủng tự này và sự kiêu hãnh thiên liêng vì mình là báo thân, do đó chuyển hóa kinh nghiệm trạng thái trung gian brado thông thường thành đường đạo đạt báo thân giác ngộ.

Khi sẵn sàng, hãy nghĩ tới động lực bồ đề tâm phụng sự chúng sinh rồi cương quyết xuất hiện trong một hình dạng mà nhiều người hơn nữa có thể cảm nhận. Với động lực từ bi này chủng tự bất ngờ biến thành thân cầu vồng trong sáng của vị thần. Nên hiểu đây là hóa thân thực sự giác ngộ trọn vẹn thay thế thân vật chất thô kệch của sự tái sinh thông thường, có tính chất an lạc và trí huệ. Một lần nữa, bạn tự đồng hóa với hóa thân này bằng cách nghĩ :" :"Ðây là báo thân thực sự. Mình thực sự là báo thân này" Như vậy sự tái sinh thông thường được đưa vào pháp tu tập như hóa thân của một vị Phật.

Khi coi mình như một vị thần, bạn nên cảm thấy mình chính là hóa thân của vị thần. Ðừng nghĩ đây chỉ là gỉa vờ; bạn nên coi đây là sự thật. Giống như một diễn viên vẫn giữ vai trò nhân vật của mình sau khi vở kịch kết thúc, bạn có thể sẽ ngạc nhiên thấy mình đã thực sự trở thành vị thần. Sự kiêu hãnh thiêng liêng này là quan trọng, vì với phẩm tính này, sự chuyển hóa trong tu tập sẽ tới một cách tự nhiên và rất mạnh.

Buông Bỏ

Trong thiền quán bạn có thể cố gắng hết sức để trụ trong trạng thái bất nhị mở rộng và hữu thức, nhưng cũng có thể bạn dễ xao lãng với sự xuất hiện của những ý nghĩ tạp nhạp. Thay vì đè nén những ý nghĩ này, bạn nên tưởng tượng mình là vị thần, thí dụ như Tara, nữ thần thiền quá hiện thân của đức hạnh, được coi là mẹ của các vị Phật quá khứ, hiện tại và tương lãi, rồi phát tâm từ bi sâu xa. Trụ trong cõi tâm thức sâu xa này, tự coi mình là Tara.

Nếu lại thấy mình xao động với những tạp niệm, thí dụ nghĩ tới chuyện ăn một cái bánh thay vì khổ sở ngồi thiền ở đây, bạn hãy niệm thần chú của Tara, Om tara tutare ture svaha, cho tới khi tâm ổn định trở lại. Như vậy bạn không để cho mình bị lôi cuốn bởi thần chú phàm tục bánh, bánh, bánh.

Sự trông đợi quá nhiều là một chướng ngại khác cho việc thiền quán đạt thành công. Thái độ sai lầm này làm chúng ta không thỏa mãn với những chứng nghiệm thiền quán của mình, so bì những chứng nghiệm này với một thành tựu lý tưởng nào khác. Chúng ta sẽ nghĩ: "Theo các sách hướng dẫn thì tới lúc này mình phải đạt kinh nghiệm đại lạc, nhưng mình không cảm thấy gì cả. Chắc việc tu tập của mình đã thất bại". Chúng ta quá bận tâm với kinh nghiệm mà mình mong đợi tới nó không bao giờ xuất hiện. Ðiều này dễ hiểu, làm sao đại lạc có thể xuất hiện trong một tâm đầy lo nghĩ và bị bó hẹp như vậy.

Trong trường hợp này bạn hãy buông bỏ. Bạn hãy biết rằng sự trông mong là một chướng ngại và hãy buông bỏ nó ngay khi nó xuất hiện. Chúng ta nên buông lỏng hơn trong việc tiếp cận của mình. Có những khi chúng ta đặt quá nhiều năng lực vào việc tu tập hay tự ép mình vào kỷ-luật quá nghiêm khắc, cho rằng như vậy mình sẽ đạt thành tựu mau hơn. Nhưng nỗ lực quá mức thường có hiệu ứng ngược lại là làm cho việc tu tập bị đình trệ.

Một thí dụ về việc lái xe hơi. Những người mới biết lái xe thường không bình thản ngồi sau tay lái vì họ chỉ nghĩ tới chuyện phải làm đúng mọi điều đã học như điều chỉnh tay lái, tốc độ và những thứ khác. Kết quả là chiếc xe chạy cà giựt, thế là việc lái xe không phải là một kinh nghiệm thú vị mà là một công việc khó nhọc. Những người lái xe có kinh nghiệm thì khác, họ điều khiển chiếc xe một cách tự nhiên. Dù vẫn ý thức được mọi sự, họ đã quen buông bỏ một cách thoải mái, để cho chiếc xe tự chạy. Kết quả là chiếc xe chạy êm, đều đặn và vô công, có khi như đang bay một cách hoan lạc trên không thay vì chạy nhấp nhỏm ầm ĩ trên đường. Nếu muốn kinh nghiệm niềm hoan lạc tương tự trong thiền quán, chúng ta phải biết buông bỏ mọi ước vọng và giảm sự bận tâm tới bản thân một cách thoái quá.

Kiêu Hãnh Thiêng Liêng Và Hình Quán Tưởng

Thực hành giai đoạn phát sinh với tâm kiêu hãnh thiêng liêng của một vị thần là việc thật quan trọng. Chúng ta thường có khuynh hướng cảm thấy bất mãn và phê phán thân, khẩu, ý của mình. Thí dụ, chúng ta cho là thân thể của mình không còn vẻ thanh mảnh nữa, giọng nói của mình không hay, tâm trí của mình thiếu sáng suốt. Thói quen phê bình có thể làm cho chúng ta chê bai người khác cũng như chính mình. Theo quan điểm Mật giáo thì thói quen này rất có hại.

Cách đối trị khuynh hướng này là gây dựng một sự kiêu hãnh thiêng liêng. Thí dụ, khi bước vào kinh nghiệm hóa thân bạn cảm thấy mình thực sự là hóa thân của một vị Phật, tâm của mình hoàn toàn thoát khỏi mọi tà kiến, mọi giới hạn. Ngược lại, nếu tiếp tục giữ thái độ ưu phiền và đố kỵ người khác, bạn sẽ biểu lộ như một người phiền não, sân hận chứ không thể là một đấng thiêng liêng đầy an lạc. Bạn có thể ngừng lối suy nghĩ về mình tai hại này và tránh những hậu quả chủ bại tiêu cực bằng cách tập trung tâm vào sự đơn nhất của chân tính và những phẩm tính từ bi, trí huệ của vị thầy thần linh. Như vậy bạn tự mở rộng để đón nhận những làn sóng cảm hứng có khả năng chuyển hóa đời sống của mình một cách trọn vẹn. Càng ra sức tập trung vào tâm kiêu hãnh thiêng liêng này bạn càng kinh nghiệm sâu xa sự tự do thoát khỏi mọi hình thức bất mãn và giới hạn.

Việc thực hành nghi quý yoga cao nhất cần phải có ba đặc điểm: một là sự xuất hiện của mình và chúng sinh là sự xuất hiện của một vị thần, hai là tâm của hành giả nên bất khả phân với trí huệ bất nhị; ba là mỗi kinh nghiệm mà hành giả đạt được nên là kinh nghiệm về đại lạc.

Ðừng giả vờ, làm một vị thần, thí dụ vị thần thiền quán Heruka, mà khi quán tưởng mình như vị thần, bạn nên cảm thấy từ đáy lòng mình chính là Heruka, bạn và ngài là một sự đơn nhất bất khả phân. Càng gây dựng sự đơn nhất này, kinh nghiệm chuyển hoá của bạn càng mạnh và điều này là hoàn toàn tự nhiên.

Bạn cũng nên tập coi mọi sắc tướng là giả ảo, không có sự chắc thật như một cái gì phân cách và độc lập với tâm trí của mình.

Nói cách khác bạn nên thấy mọi hình tướng đều phát sinh từ tính không, có tính chất không, tính chất bất nhị. Sau cùng, kinh nghiệm sắc tướng giả ảo của bạn nên có tính chất cực kỳ hoan lạc. Kinh nghiệm này được đạt trong giai đoạn thành tựu của nghi quý yoga tối thượng bằng cách đưa sự chú tâm của bạn vào bên trong theo một cách làm cho mình có ý thức rõ rệt về lực kundalini hoan lạc thấm nhập hệ thống kinh mạch và như vậy bạn có thể hòa trộn mọi kinh nghiệm của mình với lực đại lạc này.

Một số pháp tu tập thân thể như Hatha yoga, có vai trò rất quan trọng trong việc thực hành giai đoạn thành tựu, vì được dùng để hỗ trợ cho tiến trình chuyển hóa. Những pháp này không chỉ được đặt ra để làm cho thân thể mềm dẽo trong tu tập hay phát triển sức khỏe mà còn có mục đích gia tăng lực kundalini hoan lạc. Lực hoan lạc này thấm nhập khắp hệ thống kinh mạch nhưng chúng ta không nhận ra nó. Với việc thực hành đúng Hatha yoga chúng ta có thể tiếp xúc và hơn nữa gia tăng lực hoan lạc này, biết cách truyền thông với nó để có thể mang nó tới chỗn nào mình muốn. Chúng ta không làm việc này để đạt lạc thú thông thường mà là để nắm quyền điều khiển những mức tinh tế nhất của thân thể và tâm.

Khi thực hành những pháp thể dục này chúng ta vẫn quan niệm mình là vị thần và phải dẹp bỏ mọi ý tưởng tự hạ, vì chỉ như vậy những pháp này mới có hiệu quả thực sự. Nếu thực hành đúng, sẽ có lúc chỉ cần chạm vào một phần thân thể của mình cũng đủ làm cho đại lạc phát khởi. Khi thân thể bắt đầu có cảm giác nhẹ nhàng hơn và mềm dẻo hơn, nhưng năng lực cơ thể trước kia là nguồn đau khổ sẽ bắt đầu gây cảm giác lạc thú cực kỳ. Vậy, việc tu tập để chuyển hóa này không phải là chuyện tưởng tượng, và thân vật chất của chúng ta cũng được chuyển hóa một cách sâu xa.

Cá Tính Mật Giáo

Nhiều người cho rằng thể xác không quan trọng lắm, người ta chỉ cần thiền quán trong nội tâm. Nhưng nghĩ như vậy là sai lầm. Theo Mật Giáo, thể xác và tâm quan trọng như nhau. Trong tu tập Mật giáo thể xác được coi là mảnh đất chứa tài nguyên vô tận, như vàng kundalini, dầu kundalini, dù nó cũng là nguồn đau khổ.

Có đôi lúc tất cả chúng ta đã kinh nghiệm hoan lạc kỳ lạ thuộc thể xác này. Có khi chúng ta chỉ mới ngồi xuống tĩnh tâm mà cảm giác hoan lạc đã phát khởi và lan ra khắp cơ thể. Ðây là một kinh nghiệm thông thường chứ không phải là một thành tựu đặc biệt nào, nhưng điều này là bằng chứng cho thấy thể xác của chúng ta ngay lúc này đang chứa một lực hoan lạc lớn. Mục đích của các pháp tu tập Mật giáo cao cấp nhất là kích thích, kiểm soát và sử dụng lực hoan lạc này trong việc đạt thành tựu trọn vẹn, tức Phật quả. Khi nào trong loạn trí mà giữ được ý thức thì bạn không quan tâm tới chuyện mình có nhiều hay ít hoan lạc. Bạn có thể gọi lạc thú này là trần trụi hay có tính cách thuần túy thể xác, nhưng sự hoan lạc này có thể đưa tới giải thoát.

Tính chất cốt yếu của Mật giáo là dùng lạc thú một cách khéo léo. Người có khả năng tu tập Mật giáo là người có thể đối phó với lạc thú, chuyển hóa hoạt động tìm lạc thú thành cơ hội đạt giải thoát. Ðó là cá tính Mật giáo. Pháp tu tập Mật giáo không dành cho người tự hạ, chỉ biết làm cho đời mình khốn khổ, vì người như vậy sẽ không có tài nguyên để dùng trong việc chuyển hóa.

Tuy nhiên, nguồn lạc thú đã có sẵn ở bên trong thân thể của chúng ta và đây là nguyên nhân chính yếu làm cho thân người được coi là quý. Ðiều mà chúng ta cần là một phương pháp thiện xảo để đánh thức và rồi dùng nguồn lực này để mang lại hạnh phúc hoàn hảo cho mình cũng như cho người khác. Ðể làm việc này, chúng ta phải biết loại bỏ tính tự hạ và những tư tưởng tiêu cực nhận thức rằng chính mình tạo ra những vấn đề phức tạp cho mình, chứ không đổ lỗi cho xã hội hay bất cứ người nào khác. Nhưng chúng ta cũng chính là người tạo giải thoát cho mình và mọi thứ cần cho việc đạt sự giải thoát trong hoan lạc này đều có sẵn ở trong thể xác và tâm của mình ngay lúc này.

Sự Hòa Nhập Của Trí Huệ Và Hoan Lạc

Mục đích của pháp quán tưởng mình như một vị thần với việc tạo ba thân giác ngộ là để đối trị tư tưởng tự hạ. Những ý niệm đánh giá thấp bản thân ngăn cản chúng ta đạt kinh nghiệm về lực hoan lạc tiềm tàng bên trong hệ-thống kinh mạch và đi đến đạt giác ngộ viên mãn.

Trí huệ tính không và hoan lạc là hai thành phần hợp nhất trong một kinh nghiệm mà chúng ta cần phải thực hiện. Ở Tây phương chúng ta thấy có nhiều thanh niên thông minh mà đời sống của họ lại ít hạnh phúc. Trí thông minh không làm cho họ hạnh phúc mà lại có thể đầy phiền não. Họ có thể thành tựu đủ loại kỳ công như soạn những trò chơi tiêu khiển phức tạp, nhưng vì thiếu phương pháp tốt để hợp nhất lý trí và tình cảm của mình nên họ khô khan, duy lý trí và quá bất mãn với đời sống.

Ngược lại, những người không có nhiều khả năng thực dụng lại có cuộc sống hạnh phúc. Mặc dù họ có thể không thông minh, không tinh tế và thậm chí có thể chậm trí nữa.

Mật giáo dạy chúng ta phương pháp khai mở trí tuệ, đặt trí thông minh vào kinh nghiệm trong thực hành tu tập bằng cách hợp nhất nó với ý thức cao độ về hoan lạc. Ðó là cách làm cho đời sống của chúng ta được trọn vẹn và hạnh phúc trong khi giải trừ mọi vấn đề rắc rối thường xuất hiện khi người ta tìm kiếm lạc thú. Ở trên thế giới này lạc thú gây ra nhiều vấn đề phức tạp và đối với nhiều người giàu có thì lạc thú chính là nguyên nhân của đau khổ, chứ không phải là nghèo đói hay bịnh tật, họ không biết cách hưởng lạc thú mà không đi tới chỗ cuồng loạn hay suy đồi. Mật giáo trình bày cho chúng ta phương pháp hưởng lạc thú một cách lành mạnh và ích lợi.

Như đã nói ở trên, theo Mật giáo thì vấn đề căn bản của con người là khi hưởng lạc thú thì người ta thường trở nên mê muội hơn. Nhưng như vậy không có nghĩa là không có lạc thú. Chúng ta cứ hưởng lạc thú, nhưng phải có sự tự kiểm soát đi kèm. Chúng ta phải tránh rơi vào sự không hiểu biết và mê muội. Còn bây giờ chúng ta đang học cách kinh nghiệm lạc thú kỳ diệu trong khi trụ trong trạng thái trong sáng và có kiểm soát, kinh nghiệm lạc thú này có khả năng khai mở trí huệ thanh tịnh.

Do tính chấp thủ cố hữu, khi thành công trong thiền quán và cảm thấy luồng khí lực kundalini hoan lạc vươn lên, chúng ta thường bám giữ nó và nghĩ rằng đây là kinh nghiệm thuộc quyền sở hữu của mình, bằng cách hòa nhập tâm với tính không, hay cái bất nhị. Như vậy, khi lạc thú phát sinh chúng ta sẽ nghĩ là mình đang kinh nghiệm nó ở đâu đó trong không gian. Ðiều này rất khó diễn tả bằng ngôn từ vì vậy bạn đừng phiền lòng khi thấy mình không hiểu. Dù sao, chúng ta phải vượt lên trên thói quen chiếm hữu của mình, coi mọi thứ đều là của cái "ta" hữu hạn.

Chúng ta có thể hiểu điều này rõ hơn một chút bằng cách tưởng tượng ở trước mặt mình có một người nam hoặc nữ, mà mình thấy rất hấp dẫn. Chỉ cần nhìn vào người này cũng đủ cho năng lượng lớn trong bạn phát khởi và bạn có thể muốn đưa tay ra nắm lấy người đó. Rồi bạn tưởng tượng người đó bất ngờ biến thành ánh sáng cầu vòng, trong suốt và rực rỡ. Tất cả những cảm giác ái dục và chiếm hữu của bạn cũng tự động tan biến, thay vào đó một cái gì nhẹ nhàng hơn, lẵng lặng xuất hiện. Bạn vẫn có liên hệ nào đó với đối tượng đẹp đẽ này nhưng nó đã biến đổi. Bạn đã buông bỏ thái độ chiếm giữ, bây giờ đang kinh nghiệm một cái gì rộng rãi hơn, phổ quát hơn. Tôi muốn nói về một kinh nghiệm nhẹ nhàng, hoan lạc, mà đầy ý thức như vậy và đây là điều mà chúng ta tìm cách gây dựng.

( * ) Trở lại Mục Lục        ( * ) Xem tiếp chương kế