7. Giải Trừ Những Giới Hạn Tự Tạo

Gánh Nặng Tà Kiến

Chúng ta đã thấy hai điều kiện quan trọng cho tu tập Mật giáo là tâm xả ly và bồ-đề tâm giúp việc tạo không gian cho chúng ta khám phá chân tính của mình. Tâm xả ly nới lỏng sự bám giữ vào lạc thú và sự lệ-thuộc bên ngòai để tìm thỏa mãn, còn bồ-đê tâm thì đối trị thái độ vị kỷ chỉ nhắm vào lợi ích của riêng mình, không biết tới lợi ích của người khác. Bây giờ chúng ta sẽ xét điều-kiện căn bản thứ ba, gây dựng chánh kiến.

Ở đây, chánh kiến có nghĩa là trí huệ hiểu rõ cách hiện hữu của mình và vạn vật. Trí huệ này là pháp đối trị trực tiếp cho mọi ý niệm sai lầm về ý nghĩa của con người và thế gian. Khi mang gánh nặng những tà kiến này, chúng ta bị kẹt trong thế giới của những hình phóng chiếu từ chính mình, phải lang thang trong luân hồi đau khổ do chính mình tạo ra. Nhưng nếu biết nhổ rễ và loại bỏ tà kiến, chúng ta sẽ tìm thấy sự tự-do, không gian và hạnh phúc tự nhiên mà hiện tại không thể có được.

Hiểu đúng sự thật không phải là chuyện huyền bí. Ðây không phải là chuyện cầu nguyện để được ban cho chân lý từ trên cao thay cho tà kiến ở hạ giới. Chúng ta cũng không nên nghĩ rằng những thành phố ô nhiễm ở Tây Phương chỉ có toàn tà kiến, còn chánh kiến thì chỉ xuất hiện ở Himalaya trong lành. Sự thật là chánh kiến có ở mọi nơi, mọi thời. Khuôn mặt đẹp của chân lý hiện hữu ở bên trong tất cả mọi hiện tượng, ngay tại đây và ngay bây giờ. Ðây chỉ là vấn đề gỡ bỏ những lớp phóng ảnh của chính mình vốn che phủ khuôn mặt thật của thực tại. Tà kiến là của chúng ta và công việc giải trừ tà kiến cũng là của chúng ta. Khi nào bám giữ vào ý kiến cho rằng mình hiện hữu theo một cách đặc thù nào đó, khi đó chúng ta đang có ảo tưởng. Mỗi lần ngắm mình trong gương, chúng ta lại có một định kiến như vậy. Thí-dụ, có thể chúng ta nghĩ: "Hôm nay mình trông ra sao? Mình không muốn người khác nhìn thấy mình như thế này!" Sự thật là chúng ta luôn luôn thay đổi. Chúng ta biến đổi từng lúc một, nhưng vẫn có cảm tưởng là mình không đổi khác gì cả.

Quan niệm của chúng ta về thế giới bên ngoài cũng sai lầm. Các giác quan của chúng ta có thói quen cảm nhận sự vật một cách nhị nguyên, nghĩa là mỗi đối tượng cảm giác xuất hiện với chúng ta có vẻ tự hiện hữu như một cái gì cụ thể và riêng biệt. Chúng ta nghĩ rằng vì mình trông, nghe, ngửi, nếm và rờ thấy những đối tượng đó nên chúng phải có thật, phải có sự hiện hữu cụ thể riêng của chúng ở đó như mình cảm nhận. Nhưng ý niêm kiên cố về cách hiện hữu của các đối tượng này cũng là ảo tưởng và không liên quan gì tới sự thật của chúng cả.

Ðể đoạn lìa những tà kiến đã ăn sâu này và khám phá cách hiện hữu thực sự của vạn-vật, chúng ta phải có thời gian để luyện tập và tìm hiểu với một tâm thức sáng suốt. Nhưng chúng ta có thể bắt đầu tiến trình này ngay bây giờ chỉ bằng cách nghi ngờ những gì xuất hiện trong tâm thức của mình. Thí dụ, ngay khi nhận thấy mình đang có định kiến về bản thân như :"Mình là người thế này", "Mình nên là người như thế kia", chúng ta nên nhớ lại rằng những ý tưởng như vậy chỉ là ảo tưởng, một phóng ảnh phù du của tâm. Chúng ta không nên thụ động chấp nhận rằng những hiện tượng bên ngoài hiện hữu một cách cụ thể và riêng biệt như mình cảm nhận chúng. Chúng ta nên nghi ngờ những cảm giác và những ý niệm của mình giống như người mua xe cũ không tin ngay những gì người bán nói về chiếc xe.

Những Giấc Mộng Và Tính Không

Ðể hiểu lý do mình bị những phóng ảnh của tâm lừa dối và cách thoát ly khỏi ảnh hưởnhg của chúng, chúng ta có thể xét thí dụ về những giấc mộng. Khi chúng ta thức dậy vào buồi sáng, tất cả những người mà mình mơ thấy đêm qua đã đi đâu? Họ từ đâu tới trong giấc mơ? Họ có thật hay không? Tất nhiên là không. Những người mộng này và những hoạt động trong mộng của họ đều phát sinh từ tâm ngủ mơ của chúng ta; họ chỉ là những hình ảnh đối với riêng tâm đó. Họ chỉ có thật khi chúng ta còn ở trong trạng thái mộng, còn đối với tâm lúc thức vào sáng hôm sau thì họ chỉ là một ký ức mơ hồ. Khi chúng ta đang ngủ thì họ có vẻ thật, có sự hiện hữu cụ thể phân biệt với chúng ta. Nhưng khi thức dậy, chúng ta hiều ra rằng họ chỉ là những hình ảnh mà tâm ngủ mơ của mình phóng chiếu. Dù có vẻ thật bao nhiêu, những người trong mộng này không có một chút sự hiện hữu khách quan nào, họ chỉ là ảo ảnh trong kinh nghiệm mộng của chúng ta.

Cũng giống như vậy, tất cả những gì chúng ta kinh nghiệm trong lúc thức, kể cả ý niệm "ta" rất mạnh, đều không có sự hiện hữu thực sự. Dù có một sự hiện diện cụ thể nào đó đối với chúng ta, những hiện tượng này không có sự tự hiện hữu nào cả. Chỉ khi nào tâm quy ước thông thưòng của chúng ta hoạt động, hay ở trạng thái mở, thì những hiện tượng tương đối này mới hiện hữu đối với chúng ta. Nếu tâm thông thường ở trạng thái đóng, thì những hiện tượng thông thường này sẽ ngừng xuất hiện với tậm chúng ta.

Vậy, người và vật trong thế giới cảm giác của chúng ta không hiện hữu một cách cụ thể, khách quan như mọi người vẫn tưởng. Những hình dạng này chỉ là sự biểu lộ của chính tâm thức thông thường của chúng ta và chỉ được nhận ra hay gọi tên nơi tâm thông thường. Nhưng vấn đề căn bản của chúng ta không phải là vạn vật có vẻ hiện hữu một cách độc lập, mà là chúng ta chấp nhận những hình tướng đó cứ như là chúng hiện hữu thực sự.

Từ vô thủy chúng ta đã quen tin vào, hay chấp giữ, những sắc tướng quy ước, coi chúng là có thật và là sự thật tuyệt đối, vì vậy tà kiến này rất khó bị loại bỏ. Nhưng chúng ta có thể bắt tay vào việc nhổ rễ thói quen sai lầm này bằng cách nhận ra rằng ý niệm của mình về thực tại là không đúng sự thật, rằng niềm tin trực quan của mình về sự hiện hữu độc lập của vạn vật là không có giá trị vì không đúng với cách hiện hữu thực sự của chúng. Hiểu biết đúng như vậy là chúng ta có thể bắt đầu thức tỉnh.

Ngã Chấp Và Sự Bất An

Không những vạn vật bên ngoài chúng ta không có sự thật cụ thể, khách quan mà ngay cả ý thức về tự ngã nội tại của chúng ta cũng vậy. Do bản năng chúng ta cảm thấy mình hiện hữu như một cài gì rất thật, rất rõ rệt và cụ thể. Chúng ta không nghi ngờ gì về cái ta thật này và không bao giờ nghĩ rằng đây cũng chỉ là một ảo tưởng. Nhưng nếu chịu khó tìm hiểu cái ta được coi là chắc thật này chúng ta sẽ không tìm thấy nó ở đâu cả. Ðầu, mình, chân và tay của chúng ta đều không phải là "ta". Tâm của chúng ta cũng vậy, không có một ý nghĩ hay cảm giác liên tiếp nhau biến hiện nào là cái ta thực. Và tất nhiên chúng ta càng không thể tìm thấy cái ta kiên cố này ở một nơi nào ngoài thân tâm của mình. Vậy mà chúng ta vẫn bám chặt vào nó ở tận đáy tâm hồn cứ như nó là một cái gì có thật nhất. Niềm tin cố hữu vào một cái không có thật này là nguồn gốc của mọi vấn-đề của chúng ta, và được gọi là "ngã chấp". Ðây là một tà kiến thuộc loại bản năng đã gắn liền với chúng ta ngay từ khi mới ra đời. Sự thật là chính ngã chấp đã thúc đẩy chúng ta tái sinh trong luân hồi từ lúc đầu.

Ngã chấp bám vào tà kiến của nó như thế nào? Chúng ta có thể biết tổng quát về điều này bằng cách theo dõi những ý nghĩ của mình trong mọi khoảnh khắc. Những ý nghĩ đó có thể là: "Tâm của mình diễn dịch như thế nào về thực tại? Ai là người tin rằng mình hiện hữu?" Nếu quan sát kỹ chúng ta sẽ thấy mình luôn luôn có sẵn một định kiến vững chắc về tự ngã, thí dụ "Mình đích thực là như thế này" và chúng ta cũng hiểu ra rằng ý tưởng này không đúng sự thật.

Ý niệm tự ngã của chúng ta phát sinh ý nghĩa: "Rõ ràng là mình hiện hữu ở một nơi chỗ, mình có thật." Không bao giờ chúng ta nghĩ rằng con người mình chỉ là kết quả của việc đặt tên cho một nhóm những thành phần tâm lý và vật lý luôn luôn biến đổi. Óc ngã chấp của chúng ta có khuynh hướng thiết lập và duy trì một cái ta vững chắc và an toàn, vì vậy nó sẽ không bao giờ chấp nhận cái ta hay tự ngã chỉ là một sự quy kết, một danh từ dùng để chỉ định, mà nó sẽ nghĩ: "Mình hiện hữu một cách độc lập ngay từ lúc đầu. Mình không phải là một cái gì do mê tín tạo ra." Nhưng như vậy là hoàn toàn sai lầm và đây chính là tà kiến nằm ở gốc rễ của mọi vấn đề khó khăn của chúng ta.

Chúng ta đã quá quen thuộc với vẻ bề ngoài cụ thể của vạn vật, kể cả bản thân, nên không dễ gì thay đổi để chấp nhận một ý niệm rộng và thoáng hơn. Trong vấn đề này, tự ngã, hay tạm đảo điên, bám vào ý thức về cái ta kiên cố để có chỗ tựa, vì vậy tự ngã này rất mạnh và sẽ chiến đấu chống lại bất cứ ý tưỡng nào đe dọa sự an toàn của mình. Nó sẽ không thích ý kiến cho rằng cái ta, giống như mọi vật khác, chỉ là một cái gì được chỉ định bởi lý trí thông thường. Vì vậy chúng ta nên biết trước là sẽ có nhiều đối kháng khi mình quán niệm về tính vô ngã của bản thân cũng như của vạn vật. Ðiều này là tự nhiên, vì ý niệm bản ngã đã ăn sâu của chúng ta sẽ tranh đấu chống lại sự hủy diệt của nó.

Nhận Diện Kẻ Ðịch Nội Tại

Chừng nào tính ngã chấp còn tiếp tục phóng chiếu quan kiến giới hạn và kiên cố về thực tại của nó, tâm chúng ta sẽ còn thiếu không gian để kinh nghiệm quan kiến rộng rãi về toàn thể mà thâm tâm mọi người đều mong ước. Vì vậy, để vượt qua mọi ý niệm và những kết luận sai lầm, trước hết, chúng ta cần phải loại bỏ mọi tà kiến về bản thân. Chúng ta cần phải thấy rõ cách mình đang tạo ý niệm về chính mình, cách mình bám vào ý thức sai lầm về tự ngã, vì không có cách nào khác để gây dựng chánh kiến trừ việc hiểu rõ về tà kiến chủ hữu của mình.

Các hành giả bậc thầy của quá khứ đã nhấn mạnh tới sự quan trọng của việc nhận diện thật chính xác những ý niệm sai lầm của tâm. Chúng ta không thể dùng phương pháp thiền quán minh sát để loại bỏ một tà kiến tế vi hay chỉ sai lầm ở lý thuyết về tự ngã, mà phải nhận diện tận gốc rễ những vấn-đề khó khăn của mình bằng cách nhìn sâu vào tâm thức để tìm những tà kiến tiêu biểu của nó. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể tấn công vào nguyên nhân căn bản của mọi vấn đề này. Nếu không như vậy thì cũng giống như chúng ta không biết quân địch đang tiến tới từ hướng nào.

Cần phải nói rõ hơn về điểm này: Một trong những nguyên nhân chính làm cho chúng ta tiếp tục chịu đau khổ của luân hồi, liên tục di chuyển từ tình trạng bất mãn này sang tình trạng bất mãn khác, là sự không biết những vấn đề của mình phát sinh từ đâu. Ngay cả khi loại bỏ được ý kiến sai lầm cho rằng những khó khăn của mình có nguyên nhân bên ngoài, chúng ta vẫn thường không nhận diện đúng kẻ địch bên trong. Thí dụ, chúng ta có thể kết luận sai lầm rằng nguồn gốc bất mãn của mình là một quan niệm hay ý kiến trí thức đặc biệt nào đó mà mình vẫn chấp thủ và rằng tất cả những gì cần phải làm để điều chỉnh tình trạng là chấp nhận một triết lý cao hơn. Nhưng lối tiếp cận phiến diện như vậy không thể nào chạm được vào gốc rể của vấn-đề.

Vấn đề căn bản của chúng ta không phải là một vấn đề thuộc loại trí thức. Có thể chúng ta bắt đầu bằng việc phân tích mình là ai và mình là gì và rồi sau đó thay đổi ý kiến, chấp nhận một quan niệm ngược lại. Một sự thay đổi như vậy có thể làm thỏa mãn về mặt trí thức nhưng không giải quyết vấn đề tự ngã, một vấn đề căn bản và có cơ cấu phức tạp. Sự thật là dù có thể sung sướng với mức hiểu biết trí thức mới đạt được của mình, chúng ta cũng chưa làm được gì khác hơn thay thế những điều dị đoan này bằng những điều dị đoan khác. Thay vì làm suy yếu tính ngã chấp, chúng ta chỉ đưa cho nó một cái gì khác để nương tựa.

Thoát Khỏi Tà Kiến

Cần phải hiểu là chúng ta không thể buông bỏ định kiến cố hữu về tự ngã ngay được. Phải có nhiều thời gian để vượt qua hình ảnh cái ta kiên cố này. Nhưng ngay bây giờ chúng ta có thể cùng phá những lớp tà kiến thô kệch bằng cách buông lỏng sự bám giữ vào những ý kiến của mình về thực tại. Lúc đó, dù sắc tướng kiên cố của vạn vật vẫn có mặt nhưng chúng không thể đánh lừa chúng ta một cách dễ dàng.

Kinh sách Phật giáo trình bày điểm này với hình ảnh nhà huyền thuật và các khán giả. Bằng thuật thôi miên vào mấy miếng gỗ hay cục đá, một nhà huyền thuật có thể làm cho người ta nhìn thấy ngựa thay vì gỗ hay đá, thí dụ như vậy. Ðể thấy rằng ảnh hưởng của pháp thuật không những nhìn thấy những con vật giả ảo này mà còn tin là chúng có thật nữa. Họ bị quyền năng của nhà huyền thuật dẫn dụ để tin vào ảo ảnh của người đó. Do lực pháp thuật, nhà huyền thuật cũng nhìn thấy ngựa nhưng tất nhiên không tin là chúng có thật và biết rõ chúng là gỉa ảo, vì chính mình đã tạo dựng chúng lên bằng pháp thuật. Vậy trong khi các khán giả sững sở vì trò huyền thuật thì huyền thuật gia vẫn tỉnh táo.

Thông thường chúng ta cũng giống như số khán giả đó. Chúng ta tin bất cứ cái gì mà mọi ý niệm nhị nguyên của mình dựng lên. Nếu một vật gì có vẻ hấp dẫn, chúng ta sẽ bị vẻ bề ngoài của nó đánh lừa ngay và sẽ theo đuỗi nó. Nếu hình tướng của nó thay đổi không còn hấp dẫn nữa thì chúng ta lại tức khắc tránh xa nó mà không suy nghĩ rằng những hình dạng biến đổi đó chỉ là một phản ảnh từ tâm của mình và không liên quan gì nhiều tới chính đối tượng. Kết quả là chúng ta liên tục bị dẫn từ trạng thái hiện hữu không thỏa mãn này tới trạng thái hiện hữu đáng bất mãn khác, luôn luôn tìm sự hỗ trợ cho cái ta giả ảo bằng cách theo đuổi hoặc trốn tránh những đối tượng cũng giả ảo. Như vậy cuộc đời của chúng ta trở thành một vở kịch phi lý đầy những cảm xúc trái ngược, phiền não và bất mãn.

Nhưng chúng ta có khả năng buông bỏ những tà kiến này. Giống như nhà huyền thuật, chúng ta không việc gì phải bị dẫn dụ bởi những hình tướng cụ thể khi chúng xuất hiện. Rốt cuộc, khi tâm không còn một ý niệm méo mó nào cả thì chính những hình tướng nhị nguyên này cũng thôi xuất hiện. Nhưng chúng ta không cần phải đợi tới lúc đó mới thoát khỏi những cảm xúc trái ngược của mình, vì ngay khi bắt đầu buông lỏng những ý niện cố hữu của mình chúng ta sẽ kinh nghiệm hương vị của sự tự do này.

Gây Dựng Trung Ðạo

Sau khi xét về vô ngã và tính giả ảo của vạn vật như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng bản thân chúng ta, mọi người khác, thế giới và giác ngộ đều hoàn toàn không có thật. Tuy nhiên kết luận này có tính cách hư vô và quá cực đoan, vì vạn vật có sự hiện hữu thực sự. Chúng ta chỉ sai lầm ở chỗ cho rằng vạn vật có sự hiện hữu cụ thể và độc lập vì chúng có vẻ bề ngoài như vậy.

Thí dụ về cầu vồng. Cầu vồng có thật hay không? Tất nhiên cấu vồng có thật, nhưng nó là cái gì? Cầu vồng phát sinh từ sự tương tác của những hạt nước nhỏ trên bầu trời, ánh sáng mặt trời và điểm quan sát của chúng ta. Vậy cầu vồng là một hiện tượng liên thuộc có nhiều nguyên nhân và điều kiện. Khi ngắm cầu vồng chúng ta có thể xúc động vì vẻ đẹp của nó tới mức cố đưa tay ra nắm lấy nó. Nhưng khi chúng ta tiến tới thì hình như cầu vồng lại lùi lại. Dù chạy nhanh bao nhiêu và xa bao nhiêu chúng ta cũng không thể nào bắt kịp nó. Tính chất của cầu vồng là không thể nào nắm được và chúng ta phải nhận hiện tượng đẹp này là một hình tướng mà mình không thể nắm giữ hay sở hữu được.

Cũng vậy, tất cả các hiện tượng chỉ là những hình dạng xuất hiện từ sự tương tác của các nguyên nhân và điều kiện khác nhau, hay nhân duyên. Chúng thành hình, tồn tại và tiêu diệt với sự biến đổi liên tục. Bản thân chúng ta cũng vậy. Dù ý thức ngã chấp cố hữu có thể tin chắc vào tự ngã, nhưng không có một cái ta cụ thể nào ở bên trong hoặc bên ngoài các thành phần tâm lý và vật lý của chúng ta cả. Bản thân chúng ta và tất cả các hiện tượng khác không có một chút sự hiện hữu độc lập nào cả và chính tính không này là tính chất thật của vạn vật.

Ðức Phật giảng những giáo lý sâu xa nhất của Ngài về tính không trong bộ kinh "Bát Nhã", và vị luận sư người Ấn Ðộ thuyết minh và khai triển những giáo lý này là Nagarjuna (Long Thọ) vừa là một triết gia uyên thâm vừa là một đại thành tựu giả Mật Giáo.

Hệ thống triết học phân tích của Nagarjuna được gọi là Trung Ðạo, hay Madyamika, vì không có những quan niệm cực đoan tự hiện hữu hay không hiện hữu, thường tồn hay hư vô, thái quá hay bất cập. Theo Long Thọ, mọi ý niệm thông thường của chúng ta về vạn vật đều sai lầm,. Vì chúng ta quen áp đặt lên những đối tượng kinh nghiệm của mình những tính chất cụ thể, độc lập, và tự hiện hữu mà thực ra chúng không có. Nói cách khác, quan niệm sai lầm thông thường của chúng ta về thức tại, cả ý thức tự ngã lẫn vẻ bề ngoài của các hiện tượng như hình ảnh, âm thanh, v.v. đều mê muội và nhị nguyên.

Như đã nói ở trên, chúng ta liên tục phóng chiếu những hình ảnh giả tạo lên những gì mình gặp, để rồi lại tin rằng những hình ảnh giả tạo đó chính là những đối tượng. Khi đã biết một chút về tính giả ảo của những ý niệm nhị nguyên của mình về thực tại, có thể chúng ta sẽ phản ứng quá mạnh, chối bỏ sự hiện hữu của tất cả mọi vật. Ðây là thuyết hư vô cực đoan, vừa sai lầm mà cũng vừa nguy hiểm. Chúng ta cần phải hiểu là vạn vật hiện hữu thực sự, nhưng không hiện hữu một cách cụ thể và độc lập như mình vẫn tưởng. Ðể gây dựng ý niệm chân xác về tính không chúng ta phải bác bỏ tất cả những ý tưởng về sự tự hiện hữu độc lập mà không từ chối sự hiện hữu tương thuộc có giá trị của vạn vật, tức lý nhân duyên sinh.

Khi cố gắng dùng lý trí để chứng minh cho chính mình tính không của một vật nào đó, rằng nó không có sự tự hiện hữu cụ thể, có khi chúng ta cảm thấy mình đi quá xa. Chúng ta tìm nhiều lý do để kết luận nó là không và phần nào cảm thấy không thỏa mãn. Ðó là vì việc ứng dụng luận lý quá lạm dụng thường gây hại hơn là có lợi cho sự hiểu biết của chúng ta. Không nên lạm dụng khả năng luận lý của mình trong việc tìm hiểu mà chỉ nên quan sát cách vận hành của đối tượng được nghiên cứu nó họat động ra sao, nó từ đâu tới và nhiều điều khác. Thí dụ, khi tìm hiểu về một vật để biết nó có sự hiện hữu như vẻ bề ngoài hay không, chúng ta có thể có những nhận xét như sau: "Vật này được ráp bởi những công nhân ở một xưởng sản xuất, sau đó nó được đưa ra thị trường để bán; mình trông thấy và mua về; bây giờ mình đang dùng nó"; như vậy, tính chất không tự hiện hữu của vật đó trở nên rõ ràng hơn. Chúng ta thấy nó như một vật phát sinh từ các nguyên nhân, tùy thuộc vào nhiều vật để có sự hiện hữu, hoạt động như thế này hay như thế kia; sự hiểu biết này sẽ làm cho chúng ta bớt có cảm tưởng vật đó có sự hiện hữu độc lập và vững chắc, một vật kiên cố tự hiện hữu một cách đầy đủ. Cách tìm hiểu tính tương thuộc và không hiện hữu, hay tính không, là một phương pháp trực tiếp và thỏa đáng. Một khi đã quen thuộc với cách tiếp cận này chúng ta sẽ hiểu tại sao nhiều vị thầy ngày xưa đã dạy rằng tính tương thuộc hay sự phát sinh từ nhân duyên, là vua của luận lý và là cách tốt nhất để hiểu tính chất thật của vạn vật.

Theo quan điểm của luận sư Long Thọ, thuyết tính không của vạn vật không có ngoại lệ. Tâm không phải là một ngoại lệ và cả đức Phật cũng không phải là một ngoại lệ. Chúng ta không thể nói rằng một vật vô giá trị nào đó, thí dụ một cái thùng rác, là không và không tự hữu hay không có tự tính, còn một vật rất đáng tôn kính, như đức Phật Thích Ca thì tuyệt đối và có sự tự hiện hữu thực sự. Không thể có chuyện đó, vì theo quan điểm tính không và bất nhị của vạn vật thì chân tính của đức Phật và thực tại tuyệt đối của thùng rác là một.

Chúng ta có thể rút ra một kết luận là không nên vội chấp nhận những hình tướng nhị nguyên của mình, như sự phân biệt vật này vật kia, tốt và xấu, v.v.. là sự thật tuyệt đối, nhưng cũng không hoàn toàn chối bỏ chúng, mà nên giữ một chút buông lơi, một chút nghi ngờ. Cần phải biết rõ điều này, chúng ta sẽ không để cho chúng dụ dỗ mình một cách dễ dàng. Và nếu biết tự luyện tập để quán tưởng sự trong sáng nguyên thủy của tâm thì chúng ta có thể đạt kinh nghiệm bất nhị trong đó mọi phiền não và vô minh đều không còn.

( * ) Trở lại Mục Lục        ( * ) Xem tiếp chương kế