8. Sự Trong Sáng Nguyên Thủy Của Tâm Thức

Tạo Không Gian Qua "Không Thấy"

Như đã trình bày, xả ly, bồ đề tâm, và chánh kiến về tính không là ba điều kiện tiên quyết để thực hành tu tập Mật giáo. Nhưng như vậy không có nghỉa là chúng ta phải hiểu thấu đáo ba điều này trước khi có thể đi theo con đường Mật Giáo, mà chỉ cần hiểu tổng quát là có thể bắt đầu thực hành tu tập.

Một thí dụ về việc tìm hiểu tính không. Sự hiểu biết hoàn hảo về tính chất tuyệt đối của vạn vật là một thành tựu sâu xa, vì vậy nếu phải đợi tới lúc đạt thành tựu này mới có thể thực hành tu tập thì bao giờ chúng ta mới bắt đầu? Có lẽ không bao giờ! May mắn thay là chúng ta không cần phải đợi lâu. Ðể tu tập các pháp chuyển hóa của Mật giáo, chúng ta chỉ cần buông lỏng phần nào ý thức tự ngã chứ không cần phải hiểu trọn vẹn tính vô ngã của mình. Ðiều cần thiết là dành cho mình khoảng không gian trong vai trò một cá nhân phân cách với mọi vật khác mà chúng ta vẫn chấp nhận theo sự thôi thúc của bản năng.

Các Lama Tây Tạng thường nói: "Không thấy là cái thấy hoàn hảo." Câu nói này nghe có vẻ kỳ lạ nhưng thực ra mang ý nghĩa sâu xa, vì nó mô tả kinh nghiệm của một hành giả trình độ cao về thực tại phổ quát, rộng lớn, kinh nghiệm siêu việt nhị nguyên.

Trong kinh nghiệm sống thông thường, chúng ta bị tràn ngập bởi vô số nhận thức và ý niệm nhị nguyên. Mỗi ngày chúng ta theo đuổi những đối tượng hấp dẫn và tránh những gì mình không ưa. Do chỉ có những ý niệm chật hẹp về mình nên chúng ta dùng thời giờ để chạy theo hoặc trốn tránh sự vật như vậy. Như đã nói, thói quen nhìn sự vật một cách nhị nguyên mà tin vào trí phân biệt nhị nguyên của mình chỉ dẫn tới phiền não và bất mãn liên tiếp. Nhưng chúng ta vẫn có thể gây dựng một quan kiến hoàn toàn khác về thực tại. Khi đã chán cuộc chạy đua bất tận trong luân hồi, chúng ta có thể tu tập để mở trí huệ và phát triển nhận thức trực tiếp về tính chất thật của vạn vật.

Việc tu tập này được tiến hành trong nhiều giai đoạn khác nhau, một số giai đoạn có tính cách lý thuyết và phân tích cao, một số khác thì trực tiếp hơn và có tính cách thực nghiệm. Rốt cuộc, khi đã quen trụ trong kinh nghiệm cõi không, những hình tướng cụ thể, thông thường, vốn chiếm ngự tâm chúng ta sẽ tan biến giống như mây mùa hè tan vào bầu trời xanh trong và những ý niệm nhị nguyên của chúng ta không còn, để chỉ còn lại khoãng không trong sáng bất nhị. Trong cõi không vô phân biệt này, tâm cảm thấy an tịnh và tự tại, thóat khỏi mọi giới hạn. Không còn bận tâm với cái thấy thông thường hay tin rằng sắc tướng là sự thật tối hậu, chúng ta bước vào "cái thấy hoàn hảo" của kinh nghiệm bất nhị.

Kinh nghiệm bất nhị không phải là trạng thái vô tâm giống như ngủ, mà trong những lúc như vậy tâm tỉnh thức và cảnh giác, không chối bỏ hay khẳng định gì cả, nhưng chấp nhận tất cả. Không còn cảm thấy bị kẹt và bị hạn chế, bị bắt buộc chơi những trò chơi tự ngã vô mục đích nhàm chán, chúng ta bắt đấu nếm hương vị giải thoát thực sự của tâm thức không vướng bận. Sự giải thoát này là khả hữu, vì tâm nhị nguyện, vọng tưởng, lệ thuộc quy ước và nông cạn không phải là tính chất nguyên thủy của con người. Chân tính của chúng ta trong sáng như pha lê, do đó thái độ tự hạ hay tủi thân là sai lầm. Thái độ này sẽ tan biến cùng với mọi giới hạn có tính cách giam hãm tâm.

Nếu có thể nhập vào và trụ trong trạng thái trong sáng của tâm thức chúng ta sẽ có thời gian và không gian để nhìn sự vật một cách chân xác. Chúng ta còn có thể làm công việc trong đời sống hàng ngày một cách khéo léo hơn và đấy là điều mà nhiều người thắc mắc, họ cho rằng khi tâm trở lại tính chất căn bản của mình, trạng thái không phức tạp này. Người ta không thể di chuyển, không thể tiếp tục nghề nghiệp của mình, không thể nấu ăn hay làm một việc gì khác. Nhưng sự thật là trong trạng thái tâm thức trong sáng bạn sẽ được tự do để dành hết sự chú ý của mình vào việc mình đang làm và do đó tất nhiên sẽ làm tốt việc đó. Những vấn đề phức tạp chỉ phát sinh khi bạn không sống trong trạng thái tự nhiên của tâm thức. Lúc đó dù đang làm việc gì tâm của bạn cũng qui hướng về một điểm. Thí dụ, bạn đang quét nhà nhưng tâm của bạn lại nghĩ về chuyện đi ra phố ăn kem. Ðó là lúc bạn chỉ có thể gặp khó khăn.

Trong Sáng Và Bất Nhị

Bằng việc đưa dòng tâm thức của mình vào thiền định chúng ta tự nhiên được dẫn tới kinh nghiệm cõi không bất nhị. Khi theo dõi những ý nghĩa của mình ta sẽ thấy chúng tự xuất hiện, rồi lại tự biến đi. Chúng ta không cần phải đuổi ý nghĩ ra khỏi tâm thức, vì như mỗi ý nghĩ phát khởi từ sự trong sáng của tâm, nó cũng tự nhiên tan biến trở vào tính trong sáng này. Khi mọi ý nghĩ đã tan biến hết, chúng ta nên giữ cho tâm tập trung vào sự trong sáng mới xuất hiện này càng ít xao lãng càng tốt.

Chúng ta nên tập cho mình không theo đuổi một ý nghĩ nào trong những ý nghĩ liên tiếp xuất hiện trong tâm thức. Tâm thức của chúng ta giống như một đại dương có nhiều chỗ cho những ý nghĩa và những cảm xúc bơi lội, nhưng không nên để cho tâm xao lãng với một ý nghĩ này tốt hay xấu, đẹp hay khó ưa, chúng ta nên giữ không xao lãng và tập trung vào sự trong sáng căn bản của tâm. Ngay cả khi một linh ảnh tuyệt vời mà mình đã trông đợi từ lâu xuất hiện chúng ta cũng không chú ý tới nó. Tất nhiên chúng ta nên có ý thức về những gì đang diễn ra, vì mục đích không phải là sự hôn trầm không nhận thấy gì cả. Nhận biết những ý nghĩ xuất hiện nhưng không bị lôi cuốn bởi một ý nghĩa nào, chúng ta nên giữ ý thức, hay chánh niệm, về sự trong sáng nền tảng mà từ đó những ý nhĩa này phát khởi.

Tại sao cần phải thiền quán về sự trong sáng của tâm thức như vậy? Vì nguồn gốc của sung sướng và đau khổ, của niết bàn cũng như luân hồi, chính là tâm. Bên trong tâm là tà kiến cố hữu, tín ngã chấp sai lầm và không vững chắc bám vào cái ta cụ thể mà giả ảo và coi nó là một chân lý. Ðể phá ảo tưởng này chúng ta phải trông thấy tính chất giả ảo của sự vật và nhận ra rằng mọi hiện tượng chỉ là những hình ảnh phù du xuất hiện trong khoảng không trong sáng của tâm thức. Vậy càng thiền quán về sự trong sáng của tâm thức chúng ta càng bớt coi các hình tướng là cụ thể và có thật, do đó càng bớt đau khổ.

Biết được sự sinh diệt của những ý nghĩ, chúng ta sẽ tiến gần hơn tới quan kiến chân xác về tính không. Những hình tướng có vẻ cụ thể sẽ vẫn phát sinh, tồn tại một lúc rồi tan biến trở vào sự trong sáng của tâm thức. Khi mỗi ý nghĩa biến đi như vậy, chúng ta phải thật cảm thấy sự tan biến này còn thật rõ hơn sự xuất hiện cụ thể lúc đầu của ý nghĩ đó. Càng luyện tập loại "không thấy" này, chúng ta càng quen thuộc với cõi trong sáng của tâm thức. Lúc đó dù có sự phát khởi của nhiều ý nghĩ và mọi cảm xúc rất tai hại như sân hận và ganh tị chúng ta cũng vẫn giữ được sự tiếp xúc thanh tịnh căn bản của tâm thức. Sự thanh tịnh này luôn luôn có trong chúng ta và bất cứ ảo tưởng nào xuất hiện cũng chỉ là những hiện tượng phiến diện trong lâu bền, sẽ biến đi để chỉ còn lại tính trong sáng trong tâm thức.

Khi quán niệm về tâm thức của mình với ý thức trọn vẹn, không chú ý tới bất cứ ý nghĩ tốt hay xấu nào, bạn sẽ tự nhiên được dẫn tới kinh nghiệm bất nhị. Tại sao lại có việc này? Chúng ta hãy xét như sau: tâm thức giống như bầu trời trong xanh, còn mọi ý niệm giả tạo, không tự nhiên của tính chấp ngã giống như khói và những chất ô nhiễm khác mà chúng ta thải vào bầu khí quyển. Chúng ta nói rằng khí quyển bị ô nhiễm nhưng thật ra bầu trời không bao giờ dơ bẩn, bầu trời vẫn trong sạch dù có bao nhiêu chất ô nhiễm đã được đưa vào khí quyển, bằng chứng là khi điều kiện thay đổi, chúng ta lại thấy bầu trời trong sáng. Cũng vậy, dù những ý niệm vị kỷ có tạo ra bao nhiêu vấn đề cũng không bao giờ có ảnh hưởng tới tính chất trong sáng và thanh tịnh của tâm thức. Theo quan điểm tương đối, tâm thức của chúng ta vẫn luôn trong sạch vì tính chất ô trược của vô minh.

Theo quan điểm tuyệt đối cũng vậy, tâm thức của chúng ta luôn luôn trong sạch. Tính bất nhị của tâm không bao giờ hư hại vì những ý niệm nhị nguyên phát khởi bên trong nó. Như vậy tâm thức đã, đang và sẽ còn trong sạch.

Có thể bạn sẽ hỏi là tính chất của tạm khi có những cảm xúc độc hại như sân hận và ganh tị có trong sáng không. Có mọi trạng thái tâm đều có tính chất trong sáng, vô vật chất này. Dù tốt hay xấu, đúng hay sai, mọi trạng thái tâm đều phản chiếu rõ ràng đối tượng của riêng nó. Giống như một tấm gương thì phải trong sáng để phản chiếu hình người soi gương, dù người đó xấu hay đẹp, tâm cũng trong sáng như vậy. Nếu một trạng thái tâm nào đó không trong sáng thì nó sẽ không phản chiếu một cái gì cả, dù tốt hay xấu.

Chúng ta có thể so sánh những trạng thái tâm tích cực với nước yên tĩnh và những trạng thái tâm tiêu cực với nước sôi động. Tâm cũng vậy, dù an tĩnh hay sôi động vì quan kiến nhị nguyên phức tạp, tính chất căn bản của tâm vẫn là trong sáng và có ý thức.

Vậy, chúng ta đều có khả năng đi từ trạng thái phiền não của tính tự ngã đấu tranh tới trạng thái trong sạch của tâm thức thanh tịnh. Không bao giờ nên nghĩ rằng tâm của mình bị ô nhiễm tới mức không thể sửa đổi được, vì không thể có chuyện đó. Nếu biết luyện tập để nhận ra và trụ trong trạng thái thanh tịnh, tự nhiên của tâm thức thì rốt cuộc chúng ta sẽ đạt kinh nghiệm về sự tự tại của trí huệ bất nhị.

Những Biểu Lộ Của Tâm Thức

Theo quan điểm Phật giáo, tất cả những hoàn cảnh sống là sự biểu lộ tâm thức của mình. Ðây là giáo lý trung ương của Phật giáo. Những tình trạng đau khổ và phiền não phát xuất từ tâm đau khổ và phiền não, mọi kinh nghiệm hạnh phúc, từ một niềm vui thông thường tới sự thực hiện giác ngộ cao nhất, đều có nguồn gốc là tâm của chính mình.

Chúng ta có thể dễ dàng thấy tâm điều khiển trọn vẹn cuộc đời của mình, đặc biệt là tâm ái dục và chấp thủ. Chúng ta luôn luôn nghĩ tới việc đi chỗ này chỗ nọ, có cái này cái kia và rồi hành động theo những dục vọng đó trong cuộc mưu cầu thỏa mãn.

Không những tâm xao động của chúng ta liên tục sinh ra những ý tưởng mới mà chúng ta còn có khuynh hướng đi theo những ý tưởng đó tới bất cứ chỗ nào chúng dẫn mình đi tới. Kết quã là chúng ta bị dụ dỗ từ tình trạng này tới tình trạng khác bởi viễn ảnh hạnh phúc, nhưng cuối cùng chúng ta chỉ có mệt mỏi và bất mãn. Giải pháp cho việc này không phải là đè lên ý tưởụng và dục vọng, vì đó là chuyện bất khả, không khác nào đè lên nắp nồi để nước khỏi sôi. Cách tiếp cận tốt nhất là tập quan sát những ý nghĩ của mình mà không theo đuổi chúng, như vậy chúng sẽ mất năng lực cưỡng bách, giống như lấy nồi nước ra khỏi lò lửa. Rốt cuộc chúng ta sẽ đạt được an tịnh và trong sáng.

Chúng ta thường kiêu hãnh với khả năng suy nghĩ của mình, nhưng sự suy nghĩ đó thường làm cho sự việc trở nên phức tạp. Chúng ta có thể thấy ngay cả mảnh giấy gói miếng sô-cô-la cũng chứa đầy thông tin và quãng cáo. Khả năng tạo một loạt ý tưởng về một vật đơn độc là dấu hiệu của trí thông minh, nhưng rất nhiều việc mà chúng ta làm với trí thông minh này có tính chất không tự nhiên và hoàn toàn không cần thiết.

Tất nhiên lý trí của chúng ta, tức tâm thô kệch chấp thủ những giá trị thông thường của xã hội, tin rằng những việc mình làm đều quan trọng, nhưng chúng ta không nên mê muội tin rằng tất cả sự suy nghĩ phức tạp này là chân lý. Có thể có nhiều thứ cần thiết cho chúng ta trong đời sống hàng ngày, nhưng chúng ta không cần phải tin vào chúng. Và khi đang có những ý nghĩa phức tạp, chúng ta không nên tin cả chính mình.

Ðiều này có nghĩa là tất cả những gì mình làm hay nghĩ đều sai lầm hay không? Không, vì vẫn có một sự thật nào đó trong mọi việc. Thí dụ, dù bầu trời căn bản là trong sáng, nhưng vẫn có sự thật nào đó về việc có chất ô nhiễm trong không khí. Tôi chỉ muốn nói là chúng ta không nên tin những ý tưởng của mình về một điều nào đó là tuyệt đối đúng sự thật. Sự ô nhiễm trong không khí có thể có một sự thật nào đó, nhưng nó không cụ thể, tự hữu, hay tuyệt đối có thật. Cũng vậy, những ý nghĩ của chúng ta có thể chứa một lượng sự thật nào đó, nhưng chúng ta không nên tuyệt đối tin vào chúng.

Vậy, điều quan trọng là chúng ta phải có ý thức trong sáng, tức phải giữ sự tỉnh táo, khi đoạn lìa lối phản ứng với sự vật theo thói quen cũ. Thông thường, khi có chuyện gì xảy ra, phản ứng tức khắc của chúng ta sẽ có tính cách nhị nguyên. Thí dụ, khi có người nào đưa cho người bạn của mình một miéng sô-cô-la, có thể chúng ta sẽ phải ứng với những ý nghĩ như :"Tại sao cô ta đưa miếng sô-co-la cho anh bạn mà không đưa cho mình?" Hay "Anh ta là người may mắn, còn mình thì không? " Tâm chúng ta liên tục phát ra những ý nghĩ nhị nguyên độc hại thuộc đủ loại như vậy và đời sống của chúng ta phản chiếu những phiền não đó. Một hậu quả là mối liên hệ của chúng ta với người và vật sẽ hay thay đổi chứ không bền vững. Chúng ta có thể dễ dàng từ bỏ một người bạn mới quen hay một đồ vật mà mới ngày hôm trước mình cho là rất đẹp. Sự thay đổi liên tục giữa ưa và ghét này là một dấu hiệu nữa cho thấy mọi ý niệm cụ thể thông thường của chúng ta vể thực tại sai lầm và chỉ là những phóng ảnh của tâm phiền não và vô minh.

Tuy nhiên, trong khi hành thiền cũng như ngoài thời thiền, có nhiều lúc mọi tư tưởng nhị nguyên hỗn loạn không xuất hiện nữa và chúng ta kinh nghiệm trạng thái an tĩnh, trong sáng của ý thức thuần túy hay trí huệ. Sự an tĩnh tâm này là một trạng thái không thể diễn tả được và siêu việt mọi lạc thú phù du mà các giác quan của chúng ta luôn theo đuổi. Nhưng nếu chỉ đạt kinh nghiệm an lạc nội tâm này một vài lần thì không đủ để tiến tới một sự thực hiện lâu bền nào. Chúng ta cần phải tu tập liên tục để có thể đoạn lìa mọi ý nghĩ nhị nguyên độc hại, hay vọng niệm và trụ vững trong cõi trong sáng căn bản của tâm. Nếu thực hành theo một phương pháp tốt như pháp tu tập. Mật giáo thì rốt cuộc ý thức của chúng ta về cõi trong sáng căn bản của tâm sẽ trở nên vững chắc và chúng ta sẽ không còn phải chịu sự khống chế của những tà kiến nhị nguyên nữa.

Trong Sáng, Tình Yêu và An Lạc

Sự trong sáng an tĩnh và sâu xa của chân tâm có một tính chất nữa là tình yêu, hay từ bi và sự an lạc này không bị phá rối bởi sân hận. Khi trụ trong trạng thái ý thức sâu xa, hay trạng thái thiền định, tâm không phát ra một ý nghĩ tốt hay xấu nào để gây ra sự xao động. Ðây không phải là chuyện quyết định một cách hữu ý ngừng sân hận để trở nên đạo đức, vì cảm giác yêu thương với hảo ý, hay từ bi, phát sinh một cách tự nhiên và vô công từ đáy tâm hồn.

Khi cảm giác về sự rộng mở này phát triển và khi chúng ta tiến tới gần hơn quan kiến vô vật chất và vô ngã, ý thức về sự hợp nhất giữa mình và vạn vật sẽ xuất hiện. Thay vì cảm thấy bị vây hãm bởi khung cảnh, cảm giác "ta" chống lại "chúng", chúng ta sẽ cảm thấy dường như có đủ chỗ cho mọi vật ở trên đời này. Bên trong không gian trong sáng của sự bất nhị, mọi vật lướt đi một cách tự tại trong tiến trình liên tục đến và đi, sinh và diệt, biến và hiện. Bên trong cõi thực tại vô ngã này, mọi vật vận hành một cách hoàn hảo mà không cản trở nhau. Không có tranh chấp, hỗn loạn, hay phân cách. Thay vì cảm thấy phân cách với mối trường, với người khác và cả với chính mình, chúng ta chia xẻ với nhau kinh nghiệm về sự hòa hợp của vạn vật.

Khi hiểu rằng tính chất con người căn bản của mình, tức chân tính là trong sạch, chúng ta có thể đoạn lìa mọi ý niệm thiên lệch, hạn hẹp và tự giam hảm. Trong cõi trong sáng của tâm an tĩnh không có sự phân biệt chân tính của mình và của người. Không có chân tính nào hơn hay kém chân tính nào. Rốt cuộc, không có tốt và xấu, thanh tịnh và bất tịnh. Mục đích của thiền quán, tụng niệm, hay một pháp tu tập nào khác là khám phá nguyên lý căn bản của tính chất con người, đi sâu vào chân tính này, tiếp xúc với chân tâm, nguyên lý căn bản của toàn thể, hay cái bất nhị, cái một. Trong kinh nghiệm này, mọi ý nghĩa và cảm xúc nặng nề không thể phát sinh, không có một tư tưởng nhị nguyên nào, không có Phật, Thượng Ðế, thiên đường hay địa ngục. Chỉ có sự hiện hữu trong an lạc, và đây là sự thỏa mãn tối thượng.

Trong Sáng, Màu Sắc và An Lạc

Mật Giáo có vài phương pháp mạnh để đánh thức lớp tâm thức sâu xa nhất và để hướng tâm thức trong sáng, tinh tế và an lạc này về phía thị kiến bất nhị sắc xảo và rộng mở. Trước khi tu tập thuần thục chúng ta đã có thể tiếp xúc với trạng thái trong sáng tự nhiên của tâm và nếm hương vị tự tại của kinh nghiệm bất nhị. Trong lúc phiền não, chúng ta có thể dùng một phương pháp đơn giản là nhìn lên bầu trời xanh. Không tập trung vào một đối tượng nào, chỉ nhìn vào không gian với ý thức trọn vẹn và buông bỏ mọi tư tưởng về mình. Chỉ có bầu trời xanh vô tận, không có gì khác xuất hiện. Khi tâm thức tràn đầy kinh nghiệm về không gian trong sáng này, chúng ta sẽ tự nhiên đi tới thiền quán về sự trong sáng của tâm thức.

Như những con người, khi quán tưởng không gian ánh sáng xanh như vậy những ý niệm có tính vật chất của chúng ta sẽ ngừng xuất hiện. Ðó là một lý do trong các tranh vẽ của Mật Giáo mầu xanh thường được dùng để tượng trưng tính bất nhị, hay cái đơn nhất, trạng thái không có sự xuất hiện của những ý niệm nhị nguyên về sự vật. Nhiều người cảm thấy sự tự tại thoát mọi ý niệm này khi ngắm bầu trời xanh hay biển xanh. Tôi không nói chuyện triết lý phức tạp hay một niềm tin mà chỉ nói về một kinh nghiệm thực chứng của nhiều người và bạn cũng có thể đạt được.

Theo quan điểm Mật Giáo, mỗi khi mở rộng tâm thức và cảm giác với thế giới khách quan, nhận thức của chúng ta luôn luôn liên quan tới một mầu đặc biệt nào đó. Và mỗi mầu sắc mà chúng ta cảm nhận, xanh, đỏ, vàng, hay mầu nào khác, liên quan trực tiếp tới sự kiện đang diễn ra trong nội tâm của mình. Ðó là lý do trong pháp quán tưởng thần linh và các pháp khác mầu sắc và ánh sáng có vai trò rất quan trọng.

Chúng ta hãy xét một thí dụ cũng về mầu xanh. Như đã nói, ánh sáng xanh có ý nghĩa đặc biệt là sự tự do thoát mọi ảo tưởng. Nếu những ý tưởng sai lầm được phóng chiếu qúa mạnh, như khi chúng ta quá suy nghĩ về chính mình tới nỗi không thể thoát được sự u uất, thì ngay cả vào một ngày trong sáng chúng ta cũng không thấy mầu xanh của bầu trời, mà chỉ thấy toàn một mầu xám. Ðây là một sự thật và cũng với kinh nghiệm thấy mầu đỏ khi nổi giận hay xanh mật vì ganh tị, cho thấy có sự liên quan mật thiết giữa mầu sắc và trạng thái tâm.

Vậy, chúng ta có thể tạm thời thoát khỏi việc tạo ý niệm bằng cách ngắm những tia nắng mặt trời buổi sáng hay một hồ nước yên tĩnh. Chúng ta chỉ nhìn mà không cần phải tìm hiễu gì cả và tới một điểm nào đó tâm sẽ không cảm nhận gì cả ngoài sự trong sáng bên ngoài rồi đưa nó vào bên trong với tâm thức của mình, một phương pháp mạnh và trực tiếp để đoạn lìa phiền não của tâm và để kinh nghiệm sự an tĩnh.

Khi thiền quán về sự trong sáng của tâm thức, ngoài sự an tĩnh chúng ta còn tự động kinh nghiệm một cảm giác hoan lạc. Thông thường, tâm nhị nguyên với những ý nghĩ phức tạp và những phán xét về đủ chuyện làm cho chúng mệt mỏi, vì vậy việc làm cho tư tưởng và cảm xúc lắng dịu rồi tan biến là điều rất tốt. Kết quả là chúng ta đạt được sự trong sáng của tâm với kinh nghiệm an tĩnh và thật hoan lạc. Nhưng sự hoan lạc này không giống những lạc thú thông thường, vì nó làm cho chúng ta thỏa mãn thực sự. Các lạc thú giác quan kích động tâm chúng ta, còn sự hoan lạc này gia tăng sức mạnh và làm cho sự tập trung của tâm sâu xa hơn.

Trụ Trong Thực Tại Với Hoan Lạc

Tất cả những người đã thực hành thiền quán đều biết rằng chướng ngại lớn nhất cho sự tập trung là những ý nghĩ làm cho tâm xao động. Khi cố gắng tập trung vào một đối tượng hay một đề tài nào đó, chúng ta sẽ thấy tâm lang thang ở chỗ nào khác. Chúng ta không thể giữ cho tâm yên tĩnh lâu và khó có thể thâm nhập một điều gì mà không xao động. Kết quả là chúng ta không thấy có khả năng thực hiện một mục tiêu nào cả. Tại sao tâm hay xao động? Tại vì chúng ta mang nặng cảm tưởng không thỏa mãn. Chúng ta liên tục tìm kiếm một cái gì có thể làm thỏa mãn một ước vọng tiềm ẩm và mơ hồ, nhưng cuộc tìm kiếm này không bao giờ thành công. Khi tìm thấy một cái gì mang lại cho mình lạc thú, chúng ta cũng không thỏa mãn lâu dài và chẳng bao lâu sẽ lại tìm kiếm một cái gì khác. Sự xao động này là đặc tinh của tâm nhị nguyên và nó sẽ hiện rõ khi chúng ta cố gắng tập trung trong thiền quán.

Sự hoan lạc xuất hiện trong thiền quán về tính trong sáng của tâm thức chính là pháp đối trị tốt cho tâm xao động, vì nó cung cấp một sự thỏa mãn sâu xa và an tĩnh mà các lạc thú thông thường không thể tạo ra được. Với kinh nghiệm hoan lạc này bạn cảm thấy mình thực hiện trọn vẹn, tâm của bạn không nghĩ tới một điều gì khác và sự tập trung của bạn tự nhiên sâu xa hơn.

Tất cả chúng ta đều đã có kinh nghiệm việc đặt hết tâm vào một cái gì đó đến nỗi không biết tới một sự vật nào khác. Cũng vậy, khi thiền quán sâu và liên tục về sự trong sáng vô sắc tướng của tâm, chúng ta có thể ngừng cảm nhận những hình dạng, âm thanh, mùi vị và những thứ khác tới với mình qua các giác quan. Khi những kinh nghiệm giác quan và những ý nghĩ chấm dứt thì ảo tưởng cũng không còn và chúng ta có ý thức về một năng lực hoan lạc phát khởi trong nội tâm. Niềm hoan lạc mạnh mẽ này xuất hiện một cách tự nhiên chứ không do một sự vận động nào của chúng ta. Càng kinh nghiệm nhiều trạng thái hoan lạc này chúng ta càng thâm nhập sâu vào nó và đây là con đưởng đưa chúng ta tới kinh nghiệm về những trạng thái tâm thức mở rộng, tự tại và bao quát mà hiện giờ mình chưa biết.

Trạng thái tâm trong sáng và hoan lạc nói trên có sẵn trong mỗi người chúng ta ngay bây giờ. Nhưng dù có tính chất thanh tịnh căn bản này. Chúng ta vẫn chưa giác ngộ, vì chúng ta đã chứa chấp tham, sân, si, ganh tị và đủ những tính chất khác của tà kiến ngã chấp. Không thể có một vị Phật vô minh. Bên dưới những lớp thô kệch có sự hoạt động của mọi ý tưởng độc hại này là một cái gì tế nhị hơn, căn bản hơn cho bản tính của chúng ta. Phương tiện cốt yếu của tâm thức này có tiềm năng đạt giác ngộ trọn vẹn và an lạc vĩnh cửu.

Chúng ta phải làm sao để có thể tiếp xúc với chân tính của mình và thực hiện tiềm năng giác ngộ của nó? Các pháp tu tập được đặt ra đặc biệt để thành tựu sự chuyển hóa tối thượng này thật nhanh, nhưng như đã nói ở phần đầu, chúng ta không thễ nhẩy ngay vào thực hành tu tập mà không sửa soạn gì cả, mà phải làm cho mình chín chắn bằng các pháp sơ khởi. Ba phương diện chính yếu của đạo pháp, xả ly, bồ-đề-tâm, và tính không, là những pháp sơ khởi thông thường của Mật giáo. Ngoài ra, chúng ta cần phải luyện tập những pháp sơ khởi bất thường gồm lễ truyền pháp và giữ một số giới nguyện về việc thọ pháp, thanh lọc các chướng ngại để việc tu tập có kết quả, tích lũy một lượng năng lực tốt và đạt tin tưởng qua thực hành thần linh quán.

( * ) Trở lại Mục Lục        ( * ) Xem tiếp chương kế