9. CẢM HỨNG VÀ Vị THẦY
Sự Cần Thiết Của Cảm Hứng
Trước khi thực hành tu tập Mật giáo, chúng ta nên hiểu tại sao cần phải bỏ quan niệm chật hẹp cố hữu về bản thân để gây dựng sự giác ngộ của một con người tiến hóa trọn vẹn. Chúng ta phải hiểu rằng tính tự hạ là dấu hiệu của sự không biết về tính chất căn bản vốn trong sạch của mình và tự hạ là tự làm cho mình bị kẹt trong sự bất mãn thường trực. Chúng ta phải tạo không gian để có chỗ cho sự tự chuyển hóa bằng cách phát sinh những điều kiện tiên quyết tâm xả ly, bồ đề tâm và trí huệ, cũng như trụ trong bản chất trong sáng của tâm.
Ngoài việc biết rằng sự tự chuyển hóa đó là cần thiết và khả hữu, chúng ta còn phải tạọ sức mạnh và sự tự tin để có thể đi theo con đường tu tập tới cùng, nghĩa là chúng ta phải có cảm hứng. Chúng ta phải biết rằng đạt giác ngộ, tức thành tựu phát quả hay đạt toàn thề, không phải chỉ là một khả năng trên lý thuyết mà còn là một mục tiêu mà những người như chúng ta có thể và đãụ thực sự đạt được. Trong truyền thống Mật giáo nguồn cảm hứng là vị thầy, vị đạo sư hướng dẫn mình, tiếng Ấn Ðộ là Guru và tiếng Tây Tạng là Lama. Nền tảng của đạo pháp Mật giáo chính là sự hợp nhất giữa bản thân với nguồn cảm hứng này bằng pháp đạo sư quán, hay guru yoga.
Hiện tại chúng ta đang tạm thời không có khả năng đối phó những vấn đề do tâm vị kỷ của mình tạo ra. Ðể giải quyết những vấn đề này, Ðức Phật dạy những phương pháp thoát khỏi nhà tù vị kỷ và tự đồng hóa với các đấng giác ngộ quá khứ, hiện tại, và vị lai. Các đấng giác ngộ này đã đạt trạng thái không có sự phân cách hay phân biệt giữa thấp và cao, mà chỉ có sự bình đẳng hoàn toàn của kinh nghiệm giác ngộ. Pháp đạo sư quán sửa soạn cho chúng ta bước vào kinh nghiệm thực hiện trọn vẹn này. Bằng cách coi mình và thầy của mình là một chúng ta sẽ loại bỏ được tư tưởng tự hạ, thí dụ như ý nghĩ cho rằng các vị Phật là quá cao vời, còn mình thì không là gì cả. Chúng ta nên học cách đồng hóa nội tâm của mình với tâm của đạo sư, là người được coi là bất khả phân với các vị đã giác ngộ viên mãn.
Qua pháp đạo sư quán trí huệ giới hạn của chúng ta sẽ phát triển trọn vẹn. Năng lực từ bi, trí huệ và thiện xảo của vị thầy sẽ có ảnh hưỡng lớn, làm cho chúng ta phát triển những phẩm tính vô cùng lợi ích đó. Chúng ta trở thành vị thầy và như vậy có thể làm lợi ích vô lượng và vô tận cho chúng sinh. Nếu không như vậy thì chúng ta không thể giúp ích chi cho cả chính mình.
Vị Thầy Bên Ngoài Và Bên Trong
Kinh sách Mật giáo thường nói rằng mọi thành tựu đều phát xuất từ vị thầy, điều này đúng, nhưng chúng ta phải hiểu rằng "Guru" có hai lớp nghĩa khác nhau. Vị Guru khách quan, tương đối là vị thầy truyền thông với chúng ta bằng nhiều cách, trực tiêp hoặc gián tiếp, dạy chúng ta khám phá tính toàn thể của mình. Ở lớp chủ quan hơn và sâu xa hơn, vị Guru chính là trí huệ nội tại của mình, sự trong sáng căn bản từ chơn tâm của chính mình.
Chúng ta hãy xét những lối phản ứng khác nhau với cùng giáo lý của một vị thầy. Một đệ tử có thể không hiểu về mặt lý trí những ý niệm chứa trong giáo lý đó. Một người khác có thể hiểu nhưng không thể thâm nhập ý nghĩa bên trong của những ý niệm. Có những người vượt lên trên lời lẽ và ý niệm để kinh nghiệm sự hợp nhất hoàn toàn với trí huệ và từ bi của vị Thầy. Có những phản ứng khác nhau về mỗi người có một mức tiến hóa trí thức và tâm linh khác nhau. Càng tiếp xúc nhiều với vị thấy nội tâm của mình, họ càng hiểu giáo lý một cách sâu xa hơn.
Trong thực tế, vị thầy bên ngoài, tương đối chỉ có thể giúp chúng ta tới một mức độ nào đó, chứ không thể bảo đảm chúng ta sẽ đạt trí huệ và thành tựu. Nhưng vị thầy nội tâm, tức trí huệ trong sáng của chính mình, có khả năng tành tựu bất cứ mục tiêu nào. Vì vậy pháp đạo sư quán có mục đích chính là để tập cách nghe vị thầy bên trong này.
Thông thường ngay cả khi có tiếng nói nội tâm của trí huệ chúng ta cũng không chịu nghe. Mà chúng ta cũng không nghe thấy! Chúng ta đang bận nghe những chuyện rác rưởi của tâm nhị nguyên thô kệch, vì vậy khi trí tuệ phát khởi như trí trực giác chúng ta thường không chấp nhận. Với pháp đạo sư quán chúng ta có thể buông bỏ dần dần lối liên hệ nông cạn với thế giới và tiếp xúc với trí huệ tiềm ẩn trong nội tâm. Sau đó chúng ta có thể truyền thông một cách sâu xa với vị thầy bên ngoài. Nếu không biết tiếp xúc với vị thầy bên trong thì không thể hòa nhập vào giáo lý của vị thầy bên ngoài, dù những giáo lý đó có sâu xa bao nhiêu.
Nhưng như vậy không có nghĩa là vị thầy tương đối ở bên ngoài không quan trọng, vì ngài là người hướng dẫn chúng ta học những giáo lý mà Ðức Phật đã truyền dạy 2500 năm trước. Những giáo lý này có dễ hiểu với chúng ta không? Dù đã có những lời giảng giải của các đạo sư danh tiếng như Naropa, Marpa và Tzongkhapa, chúng ta có thể nào nói rằng mình thông hiểu Mật giáo không cần một vị thầy nào hướng dẫn cả? Tất nhiên là không. Ðối với các giáo lý của kinh điển thừa cũng vậy, dù Ðức Phật đã dạy Tứ Diệu Ðế từ lâu chúng ta cũng không hiểu trọn vẹn giáo lý này, trừ khi gặp một vị thầy có khả năng chỉ cho mình thấy ý nghĩa thật của nó. Nếu không có tấm gương sống và nguồn cảm hứng của vị thầy bên ngoài thì trí tuệ bên trong của chúng ta không thể phát triển.
Người Hướng Dẫn Và Gương Mẫu Tâm Linh
Ðể mọi ngưới có thể học và hiểu giáo lý của đấng giác ngộ cần phải có một dòng truyền thừa không gián đoạn các đạo sư và các đệ tử bảo tồn những giáo lý và tri huệ của các ngài cho tới ngày nay. Là một người thuộc dòng truyền thừa này, vị đạo sư sẽ làm cho các giáo lý này sống thực với bạn bằng nguồn cảm hứng hay sự gia hộ của ngài. Hiểu cá tính và khả năng riêng của đệ từ, một vị thầy có thể trình bày giáo lý rõ ràng đến nỗi chính tâm của đệ tử sẽ trở thành đường đạo đạt thánh tựu. Nguồn cảm hứng hay gia hộ có nghĩa như vậy. Và thực hành đạo sư quán có nghĩa là tự mở rộng để tiếp nhận nguồn cảm hứng này.
Thêm nữa, chúng ta cần phải có một vị hướng dẫn có kinh nghiệm dạy mình cách thực hành các giáo lý. Chúng ta sẽ không đi tới đâu nếu chỉ học qua kinh sách rồi tự mò mẫm thực hành. Tất cả thông tin đều có ở trong sách, nhưng hầu hết các văn bản Mật giáo có lối trình bày khó hiểu và chúng ta chỉ có thể hiểu được khi nghiên cứu cùng với một hành giả tài năng. Việc thực hành những điều trong sách cũng không dễ, cần phải có một vị thầy biểu diễn các phương pháp thực hành cho chúng ta.
Một người hướng dẫn có nhiều kinh nghiệm là điều kiện rất cần thiết trong việc thực hành Mật giáo, vì Mật giáo là một hệ-thống phát triển con người hay hệ thống tu tập, có tinh cách kỹ thuật cao, kỹ thuật nội tâm. Chúng ta cần phải được hướng dẫn cách ráp mọi thứ lại với nhau để hiểu rõ việc thực hành, nếu không sẽ giống như một người đứng trước một đống những bộ phận rời với một quyển sách chỉ dẫn cách lắp ráp một chiếc xe hơi Rolls Royce. Nếu không phải là một thợ máy đã được huấn luyện thuần thực thì người đó sẽ hoang mang không biết phải làm sao. Thật là bất hạnh cho ta, khi chưa gặp được những vị hướng dẫn tâm linh có khả năng cao là nguyên nhân chính làm cho ngày nay tôn giáo ở cả Ðông phương lẫn Tây phương suy thoái rất nhiều. Nếu không gặp những vị thành tựu cao người ta sẽ khộng có cách gì để biết về những khả năng tâm linh vô giới hạn của mình. Các sách ghi chép công hạnh và thành tựu của các vị thầy quá khứ không đủ để gây cảm hứng nhiều cho chúng ta. Sự thật là những quyển sách như vậy chỉ làm tăng cảm giác xa cách của người đọc. Chúng ta có thể nghĩ rằng đức Phật và chúa Jesus là những bậc đạt đạo thuộc về một thời đại khác đã qua từ lâu, còn những người như mình sống trong thế kỷ XX suy đồi này không thể trở thành tựu một cái gì giống như các Ngài. Cũng có thể chúng ta không tin tất cả những việc về những thầy đời trước, coi đó là những chuyện thần tiên dành cho trẻ con và những người nông cạn. Ðể dẹp bỏ những ý tưởng nghi ngờ bất khả và chua chát này, chỉ có một cách là trực tiếp một người nào đã kích động tiềm năng cao nhất của mình, một tấm gương về sự thanh tịnh và tiến hóa tâm linh cho chúng ta noi theo.
Vậy, vị thầy bên ngoài là cực kỳ quan trọng cho chúng ta thấy rằng một người giống như mình đã phát tiển vượt những giới hạn mà mình tự đặt ra trong hiện tại. Khi may mắn thấy một người không còn tính vị kỷ, đã từ bỏ mọi điều quan tâm nhỏ mọn của thế gian, nói và hành động với trí tuệ và thành tâm phụng sự lợi ích của người khác, chúng ta sẽ phát tâm tin tưởng và nghĩ rằng mình cũng có thể đạt được những thành tựu đó.
Người gương mẫu không chỉ quan trọng đối với những người quan tâm tới việc tu tập tâm linh mà còn quan trọng đối với xã-hội. Ðiều cần thiết nhất cho thế giới ngày nay là hòa bình và hòa hợp. Nhưng không thể có hòa bình bằng lời nói suông và chắc chắn không thể bằng võ lực. Chúng ta cần tấm gương của những người đã lấy hòa bình và hòa hợp làm trung tâm đời sống của họ, đã sống một lối sống mạnh mẽ và trong sạch. Chỉ có những tấm gương như vậy mới có thể làm cho thế giới thấy rằng hòa bình giữa mọi người cũng như trong nội tâm là điều có thể thực hiện được tại đây, ngay bây giờ.
Truyền Pháp Gia Trì Lực
Ðể có thể dẫn tới đường đạo cần phải có một cuộc hội ngộ giữa vị thầy bên trong và vị thầy bên ngoài. Tiềm năng giác ngộ của chúng ta phải được thêm sức mạnh và nhận cảm hứng bằng việc tiếp xúc với một người đã phát triển trọn vẹn tiềm năng này. Mỗi phương pháp tu tập, hay Sadhama, tu pháp, tập trung vào một vị thần thiền quán vốn là hiện thân của một phương tiện của tâm giác ngộ.
Giống như tâm vị kỷ thông thường tạo khung cảnh của riêng mình, trong đó vị thầy hoạt động vì lợi ích chúng sanh. Tập hợp vị thần và khung cảnh đã chuyển hóa này được gọi là mandala và nếu muốn thực hiện một vị thần nào đó trong nội tâm trước hết chúng ta phải được một đạo sư Mật giáo có khả năng giới thiệu mandala của vị thần đó cho mình. Chỉ lúc đó việc tu tập để tự chuyển hóa của chúng ta mới có khả năng thành công.
Mỗi vị thần Mật giáo có dòng truyền thừa các hành giả riêng của mình. Dòng chân truyền và đáng tin cậy là dòng xuất phát từ một vị tổ bậc thầy đã đạt kinh nghiệm giác ngộ viên mãn và được truyền không gián đoạn cho tới ngày nay. Mỗi vị thầy của dòng truyền thừa đều đã thực hiện trọn vẹn bằng việc thành tựu các pháp tu tập về vị thận. Sức mạnh của Mật giáo (tức tantra, nghĩa là "sự liên tục") nằm ở sự bảo tồn và truyền thừa kinh nghiệm giác ngộ qua một dòng không gián đoạn các hành giả, vì vậy chúng ta cần phải lập liên hệ với dòng truyền thừa này nếu muốn tự chuyển hóa và liên hệ này được thực hiện bằng lễ truyền pháp hay gia trì lực.
Khi được gia trì lực, một loại năng lực đặc biệt bên trong chúng ta sẽ thức tỉnh và khi có sự truyền thông với vị thầy chúng ta sẽ có cãm hứng để đi theo đường đạo tới cùng. Lễ truyền pháp là một cuộc hành thiền cùng với nhau chứ không có nghĩa là một tu sĩ Tây Tạng đầu tròn áo vuông truyền năng lực để chúng ta có thể sai khiến rắn và bò cạp. Chúng ta cũng không nên bận tâm với hình thức bên ngoài của lễ truyền pháp như tụng niệm, cầu nguyện, đánh chuông và những thứ khác. Ðiều chúng ta cần phải hiểu là lễ truyển pháp có ý nghĩa bên trong rất quan trọng.
Sự tích thầy trò Tilopa và Naropa cho chúng ta thấy tính chất cốt yếu của một lễ truyền pháp Mật giáo. Tilopa là môt hành giả Mật giáo người Ấn Ðộ, thuộc thế kỷ X. Ðệ tử của ngài là Naropa trong bao nhiêu năm đã thỉnh cầu ngài truyền pháp cho mình, nhưng là người có nhiều hành vi kỳ lạ và thất thường, ngài không bao giờ thỏa mãn những lời thỉnh cầu này. Có khi ngài giả vờ không nghe thấy Naropa nói gì, có khi ngài trả lời với những lời không có ý nghĩa gì cả. Nhưng Naropa vẫn muốn được ngài truyền pháp.
Trong 12 năm Tilopa đặt đệ tử của mình vào vô số những tình trạng tuyệt vọng và nguy hiểm. Một hôm, khi hai người đang đi qua một vùng hoang vu và khô cằn, Tilopa bất ngờ nói: "Bây giờ đã tới lúc truyền pháp. Hãy dâng cho ta một mandala" Ở đây, mandala là một biểu tượng của vũ trụ dùng để dâng cúng và theo truyền thống một Mandala dâng lên vị thầy để thỉnh cầu ngài truyền pháp thường làm bằng những vật quý, trình bày đẹp đẽ, nhưng trong vùng hoang này thì không có gì cả. Naropa chĩ còn cách đái lên cát rồi dùng cát ướt làm một mandala thô sơ. Tilopa chấp nhận lễ vật khác thường này rồi làm lễ gia trì lực bằng cách đập cái mandala lên đầu đệ tử! Naropa tức khắc nhập định và một hồi lầu sau đó, khi xả thiền, thì vị thầy đã biến đi đâu mất. Ðó là lễ truyền pháp thực thụ mà Naropa đã chờ đợi bao nhiêu năm rồi.
Truyện này cho thấy lễ truyền pháp không phải chỉ là một nghi thức trang trọng, mà là một cuộc truyền thông đặc biệt giữa thầy và trò và do đó vừa tùy thuộc vào khả năng của vị thầy vừa tùy thuộc vào sự mẫn tâm cũng như trình độ phát triển của đệ tử. Sự truyền thông mật thiết này kích động nội tâm làm cho để tử nhận được sức mạnh để tu tập không gián đoạn và đạt được mọi thành tựu trên đường đạo.
Nhiều người ở Ðông phương cũng như Tậy phương không biết rõ về lễ truyền pháp Mật giáo. Họ nghĩ rằng người ta chỉ cần đợi được dự lễ còn vị thầy sẽ làm mọi chuyện, vị Lama sẽ làm lễ, nếu có mặt ở đó mình sẽ được thọ pháp. Nhưng như vậy là quá thụ động. Lễ truyền pháp thực sự chỉ diễn ra khi có sự tham dự năng động của cả thầy lẫn trò. Lễ truyền pháp là một hoạt động của hai tâm thức chia sẻ cùng một kinh nghiệm. Nếu không như vậy thì không phải là truyền pháp thực sự.
Nhận Lễ Truyền Pháp
Nhận lễ truyền pháp không phải chỉ là sự có mặt ở một nơi nào đó, vào một lúc nào đó để nhận một cái gì mà người ta ban cho mình, mà còn là sự tham dự năng động về mặt tâm linh nữa. Chúng ta phải có khả năng tự buông lỏng để tiếp nhận kinh nghiệm tới với mình, chứ không căng thẳng trông đợi, vì lễ điểm đạo, kể cả những pháp thiền quán là thành phần của cuộc lễ, là một phương pháp đưa chúng ta tới kinh nghiệm về toàn thề và toàn thể này là pháp đối trị trực tiếp cho tâm nhị nguyên, xao dộng và phiền não của chúng ta. Qua chứng nghiệm nội tâm của lễ điểm đạo thực sự, mọi chướng ngại cho việc thực hiện cõi toàn thể đều được giải trừ. Việc giải trừ này, chỉ có bằng kinh nghiệm thực sự của người được truyền pháp chứ không bằng nghe hay học qua kinh sách.
Ðược truyền pháp là bắt đầu kinh nghiệm thiền quán, khởi sự tập trung, quán tưởng và thâm nhập chân tính của vạn vật. Qua sự truyền lực bạn sẽ có thể dùng trí huệ, tài năng và từ bi mà mình đã có sẵn.
Cần phải biết là bạn đã có sẵn những phẩm tính trí huệ, tài năng và từ bi. Không nên hiểu lầm là lễ truyền pháp sẽ ban cho mình những phẩm tính hoàn toàn khác với những gì đang tiềm ẩn bên trong. Giáo lý Phật giáo nói chung và kinh nghiệm Mật giáo nói riêng dạy rằng bên trong mỗi người chúng ta là một nguồn trí huệ và từ bi vô tận. Chúng ta chỉ việc khai thác nguồn lực năng và kích động tiền năng giác ngộ của mình.
Ðể lễ truyền pháp có hiệu quả, thầy và trò phải cùng nhau tạo bầu không khí thích hợp. Vị thầy có bổn phận làm cho sự truyền pháp chạm được vào tâm thức của đệ tử, và phải có khả năng uyển chuyển để việc truyền pháp hợp với thiên hướng của đệ tử. Các đệ tử phải biết tạo thái độ cởi mở, rộng rãi và buông lỏng tâm trong trạng thái thụ động. Nếu họ có quá nhiều tham muốn, quá vị kỷ, hay quá chấp thủ hình tướng tựu hữu của vạn vật thì sẽ không có chổ cho một kinh nghiệm thực hiện nào. Nếu đã tập luyện khá đủ về mặt hạnh xả ly, bồ đề tâm và chánh kiến về tính không, họ sẽ dễ dàng buông bỏ mọi tư tưởng sai lầm và rộng mở cho việc truyền pháp.
Khi thầy và trò đã có đủ điều kiện, trí huệ an lạc sẽ thấm nhập sự truyền pháp, đệ tử được nếm mùi vị hoan lạc của tu tập trước khi bước vào thực hành. Sự thật là trong quá khứ nhiều đệ tử đã đặt giác ngộ ngay trong lễ truyền pháp.
Một điều quan trọng nên nhớ là đối với một hành giả nghiêm chỉnh lễ truyền pháp không phải là một cái gì mình chỉ thụ nhận một lần. Các hành giả thường nhận lễ truyền pháp của một pháp môn nào đó nhiều lần, mỗi lần lại có khả năng tiếp nhận những mức chứng nghiệm sâu xa hơn. Vậy chúng ta không nên bất mãn nếu vào lúc đầu việc hành thiền của mình chỉ ở mức tưởng tượng chứ không phải chứng nghiệm thực sự. Việc tưởng tượng mình chứng nghiệm là gieo trồng những hạt giống chứng nghiệm trong tâm thức của mình để rồi chúng sẽ mọc thành những kinh nghiệm thiền quán thực sự. Vậy bạn nên luôn luôn rộng mở, buông lỏng và thỏa mãn với những gì diễn ra trong kinh nghiệm của mình.
Pháp Ðạo Sư Quán
Một khi đã nhận lễ truyền pháp để thực hành một pháp thần linh quán nào đó, chúng ta có thể thực hành hàng ngày tu pháp của vị thần đó. Một trong những pháp thiền quán đầu tiên của tu pháp đó là đạo sư quán, được thực hành như sau đây. Quán tưởng ở phía trước hay ở phía trên đỉnh đầu của mình vị thần thiền quán của nghi quỹ mà mình thực hành, vây quanh là các vị sư tổ của dòng truyền thừa. Các vị sư tổ này là các đạo sư đã kế tục nhau truyền giáo lý và kinh nghiệm thành tựu của pháp tu tập đó, và gồm các vị từ vị tổ sáng lập dòng cho tới vị thầy của mình, vị đạo sư đã làm lễ truyền pháp cho mình.
Kế đó, thỉnh cầu các vị trong tập hội ban cảm hứng và gia hộ cho mình. Ðáp lại lời thỉnh cầu, các vị hòa nhập vào nhau thành một ánh sáng, đi vào tâm mình và đi xuống kinh mạch trung ương rồi tan hòa vào luân xa tim. Khi điều này diễn ra, mọi hình tướng và ý niệm nhị nguyên thông thường sẽ tan biến vào cõi trong sáng của tính không. Tiếp theo, hành giả quán tưởng vị thầy, vốn được đồng hóa với vị thần hợp nhất bất khả phân với tâm thức tinh tế của mình.
Phẩm tính của vị thầy là trí huệ, tức trạng thái tâm trong sáng mà trong đó hoan lạc và kinh nghiệm tính không hợp nhất bất khả phân, vì vậy khi quán tưởng vị thầy nhập vào tâm mình, chúng ta sẽ cảm thấy trí huệ này gây trong chân tâm của mình một ảnh hưởng bất hoại. Từ lúc đó trở đi chúng ta nên cố nhớ lại kinh nghiệm nội tâm về đại lực và trí huệ này, dù mình đang ở trong hoàn cảnh nào. Nếu để cho ký ức về kinh nghiệm này phai mờ chúng ta sẽ sa ngã dưới ảnh hưởng của những kinh nghiệm giác quan thô kệch, và hoan lạc nội tâm của trí huệ bất nhị sẽ mất hoàn toàn.
Khi quán tưỡng thầy của mình như vị thần thiền quán, chúng ta nên đặc biệt nghĩ về lòng tốt và sự quan tâm của ngài dành cho mình. Dù vị thầy thần linh không phải là cha mẹ hay người thân nào khác của mình, ngài vẫn quan tâm tới mình và hoàn cảnh của mình giống như một người thân. Dường như ngài chỉ sống vì mình để mình có thể phát triển một thể xác và tâm hết sức lành mạnh. Chúng ta nên quán tưởng vị thầy thần linh như vậy.
Khi quán tưởng vị thầy và lòng từ bi của ngài, chúng ta lập một mối liên hệ vững chắc với ngài. Thay vì chỉ là một hình ảnh mơ hồ không có cá tính, vị thần được coi là bất khả phân trong bản chất với vị đạo sư từ bi vô lượng của mình. Như vậy chúng ta sẽ cảm thấy một sự thân cận này và vị thần được quán tưởng như một đấng ánh sáng đẹp rực rỡ, cảm hứng có thể tới với bạn rất nhanh. Việc quán tưởng sẽ thu hút nguồn cảm hứng và sự gia hộ, do đó hành giả sẽ đạt những thành tựu rõ rệt. Ðó là ý nghĩa của đạo sư quán. Mục đích của việc quán tưởng vị thầy xuất hiện trong hình dạng siêu diệu không phải là để làm lợi ích cho thầy, một vị thầy chân chính không cần sự tôn thờ như vậy, mà chỉ để đẩy nhanh cuộc tiến hóa tâm linh của chính hành giả.
Việc Quán Tưởng Liên Tục
Quán tưởng sự hợp nhất của vị thầy, vị thần và chính mình không phải là việc chỉ được làm trong những thời thiền. Chúng ta cần phải thực hành đạo sư quán, đồng hóa mình với phật tính của vị thầy, trong mỗi khoảnh khắc của đời sống. Thay vì chỉ có những tư tưởng tự hạ, chúng ta nên nhận biết sự hợp nhất căn bản của mình với vị đạo sư tuyệt đối ở bên trong. Nếu tâm vị kỷ hạng nhất của mình phát khởi, thay vì làm cho nó mạnh thêm bằng việc tự đồng hóa với trạng thái mê muội dó, chúng ta nên cố gắng coi chính cái tâm này là toàn thể giác ngộ của đạo sư phật tính, hay cái được gọi là kinh nghiệm pháp thân (xem Chương 10). Như vậy năng lực tâm mê muội này có thể được sử dụng và được chuyển hóa để được tiếp thu vào trí tuệ. Ðây là giáo lý độc đáo và siêu việt của Mật giáo.
Ðể có thể thành tựu một cuộc chuyển hóa sâu xa như vậy, chúng ta phải thực hành đạo sư quán liên tục. Chúng ta phải quen thuộc sự hợp nhất cốt yếu của đạo sư, vị thần và chân tính của mình. Quyển "Dâng Cúng Ðạo Sư" viết :"Ngươi là đạo sư, ngươi là vị thần, ngươi là Daia và Dakini, ngươi là hộ pháp". Ðể diễn dịch cây này, chúng ta có thể mượn một hình ảnh của Thiên Chúa Giáo, tôn giáo có nền tảng là sự hiện hữu của Thượng Ðế độc nhất, thực tại tuyệt đối. Dù Thượng Ðế, hay Thiên Chúa, biểu lộ trong ba phương diện Cha, Con, và Thánh Thần, Thượng Ðế cốt yếu là một, tức nguyên lý toàn thể. Cũng vậy, Mật giáo nói tới nhiều vị thần, Daia, Dakini, hộ pháp và các vị khác, nhưng ở một điểm nào đó, tất cả những thực thể có vẻ khác nhau này được coi là một sự đơn nhất, một toàn thể bao gồm tất cả. Ðó là điều căn bản của Mật giáo. Khi đã phát triển trọn vẹn để tất cả tiềm năng nội tâm của mình hiển lộ thì chính bạn trở thành một vị thần, chính bạn trở thành một vị Phật. Ðó là mục tiêu tối thượng của đạo sư quán.
Gợi Cảm Hứng Cho Con Tim
Một vấn đề chung cho tất cả chúng ta là trí thức về tâm linh chỉ có ở trong đầu chứ không có ở trong tim của chúng ta. Chúng ta kiêu hãnh vì mình đã học được nhiều về các tôn giáo trên thế giới và có thể còn thông suốt giáo lý và các phương pháp thực hành của những tôn giáo đó, nhưng về căn bản chúng ta vẫn không chuyển hóa, vẫn còn mê muội. Người Tây Tạng thường nói :"Bơ dùng để làm mềm da, nhưng túi đựng bơ thì vẫn cứng". Sự hiểu biết về chuyện tâm linh có thể làm mềm những ý niệm giới hạn, cụ thể và chế ngự sự mê muội, nhưng dù chứa nhiều kiến thức tôn giáo, người ta vẫn có thể không thay đổi gì cả. Lối tiếp cận vấn đề tâm linh nếu bằng lý trí thì sẽ khô khan không thể ảnh hưởng hay làm lay động con tim của chúng ta. Trong trường hợp này, tâm thiếu cảm hứng, hay sự gia hộ và cần phải được thuyết phục bởi một loại kinh nghiệm sống động và cảm động về sự hiện hữu và hiệu năng của một thực tại tâm linh bên ngoài cũng như bên trong. Nếu không như vậy chúng ta sẽ không mở con mắt trí huệ và không thể cảm nhận được thực tại sâu xa này, dù có tích lũy nhiều kiến thức tới đâu.
Như đã nói, vị thầy là nguồn cảm hứng thiết yếu là mắt xích nối liền tâm thức của chúng ta với kinh nghiệm siêu việt, là tấm gương về hiệu quả tốt của việc tu tập để phát triển từ bi và trí huệ. Khi nghĩ về lòng vị tha của thầy cũng như nhiều phẩm tính khác mà ngài là hiện thận, rồi hòa tan và tiếp nhận dùng truyền thừa các đạo sư vào tâm mình, chúng ta đã làm cho các phẩm tính giác ngộ đó bắt rễ sâu trong tâm. Kinh nghiệm của các thế hệ hành giả làm cho pháp quán tưởng này có hiệu quả sâu xa đối với tâm thức và có thể chuyển hóa sự hiểu biết trí thức khô khan thành chứng nghiệm về trí huệ.
Trong khi thực hành đạo sư quán, chúng ta nên kiên nhẫn tiến từng bước một. Tuyệt đối không nên cưỡng ép mình làm những gì chưa được hiểu rõ, đặc biệt là là trong pháp quán tưởng vị thầy hợp nhất với vị thần thiền quán. Sự thật là chúng ta không thể thấy hai vị hợp nhất nếu chưa phát triển tới một mức độ nào đó những phẩm tính của vị thần trong tâm mình, vì vậy không nên tự cưỡng ép. Nếu việc tu tập của chúng ta suy thoái thành một bổn phận để làm một cách miễn cưỡng thì thật là đáng tiếc. Ðể tránh điều này, chúng ta nên để cho việc thực hành tu tập của mình tự phát triển theo nhịp độ của nó. Chúng ta sẽ dần dần quen thuộc với tính chất căn bản của tâm cũng như với những phẩm tính của vị thầy và mọi kết quả tốt của pháp thiền quán về vị thần ánh sáng, lúc đó chúng ta sẽ hiểu rõ hơn ý nghĩa sâu xa của pháp đạo sư quán.
Giãi Trừ Thói Quen Chấp Thủ Hình Tướng Thông Thường
Các pháp tu tập của Mật giáo được đặt ra để giúp chúng ta khắc phục sự lệ thuộc vào lạc thú thông thường và thói quen chấp thủ những hình tướng và ý niệm thông thường. Từ thời vô thủy chúng ta đã tin rằng thế giới sắc tướng là tuyệt đối có thật, vì đã dựa vào năm giác quan nhị nguyên và rất giới hạn của mình và bây giờ chúng ta sẽ cố gắng phá bỏ tà kiến đã ăn sâu này. Ðây không phải là chuyện dễ, vì trí huệ về tính không vẫn còn non trẻ của chúng ta dễ dàng bị tràn ngập bởi các giác thức thô kệch. Chúng ta giống như những nhà khoa học đã nghiên cứu và biết rằng cái bàn chỉ là sự sắp xếp tạm thời của năng lượng chuyển động không ngừng, nhưng vẫn còn thói quen thấy nó như một vật cụ thể, tĩnh tại. Vậy chúng ta phải thực hành nhiều các pháp quán tưởng có khả năng hòa giải tà kiến tự ngã cụ thể, tăng cường sự hiểu biết và kinh nghiệm bất nhị.
Có một điều khó khăn lớn là chúng ta dễ coi những kinh nghiệm giác quan của mình là sự thật và khó tin vào sự thật của nội dung quán tưởng. Chúng ta có thể nghĩ rằng thân ánh sáng của mình trong pháp quán tưởng chỉ là ảo ảnh của trò chơi tâm, còn thân xác vật chất của mình là có thật. Chúng ta cần phải biết rằng những kinh nghiệm trong pháp quán tưởng và những kinh nghiệm tiếp nhận qua năm giác quan thực sự là một! Cả hai loại kinh nghiệm này chỉ hiện hữu cho tâm tiếp nhận chúng, chúng không tự có và không có sự thật tuyệt đói nào. Chỉ có một điểm khác biệt là những kinh nghiệm giác quan thông thường gây ra cho chúng ta bất mãn và đau khổ, trong khi sự quán tưởng các thân ánh sáng có ý thức và các pháp như tiếp nhận vị thầy làm cho chúng ta cảm nhận được mức căn bản tinh tế này chúng ta có thể thoát khỏi những ý niệm thô kệch thông thướng và chứng nghiệm hạnh phúc trường cửu của giác ngộ trọn vẹn.
Nếu chưa nếm hương vị hoan lạc của chân tâm và chưa thấy rằng mình có thể đạt trạng thái trí huệ và cái không thì tất nhiên bạn vẫn nghi ngờ. Bạn có thể nghĩ rằng cảm gíac khoái lạc khi ăn kem là có thật, còn cảm giác hoan lạc nào đó mà mình có thể kinh nhgiệm trong thiền quán chỉ là ảo giác. Chỉ có một cách để vượt qua sự nghi ngờ này, đó là làm cho mình quen thuộc với thực tại nội tâm cho tới khi sự thật này trở nên một cái gì hiển nhiên. Và sau đó bằng pháp đạo sư quán và các phương pháp chuyển hóa khác., bạn sẽ hoàn toàn quen thuộc với tính chất hoan lạc sâu xa của chơn tâm.
( * ) Trở lại Mục Lục ( * ) Xem tiếp chương kế